Tăng nhanh căn bệnh nguy hiểm whitmore, tỉ lệ tử vong cao

Chỉ trong tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong.

Các chuyên gia y tế cảnh báo whitmore là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, tới 40%. song điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh đang có nguy cơ tái bùng phát.

Bệnh nhân mắc whitmore đang điều trị tại BV Bạch Mai.

Bệnh nhân mắc whitmore đang điều trị tại BV Bạch Mai.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, nếu 6 tháng đầu năm chỉ ghi nhận bốn ca mắc bệnh, thì riêng tháng 7- 8 năm nay có 16 ca nhập viện điều trị, trong đó riêng tháng 8 đã có 12 ca mắc với bệnh cảnh rất nặng.

“Nếu như giai đoạn trước, phải 5 đến 10 năm mới có 20 ca mắc whitmore, thì từ đầu năm đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này’, bác sỹ Cường lo ngại.

Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh, bác sỹ Cường nói, đây là bệnh nhiễm trùng nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân tổn thương ngoài da, tổn thương phổi, thận, áp xe lách, gan trên nền bệnh nhân mắc tiểu đường hay phổi mãn tính, tim, thận mãn tính… dẫn tới điều kiện dễ dàng cho whitmore phát triển, làm suy đa tạng và sốc tử vong rất cao.

Cũng theo bác sỹ Cường, whitmore là bệnh không có vắc xin và không phương pháp phòng bệnh đặc hiệu. Đây là bệnh do vi khuẩn lây qua da, niêm mạc… do đó những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Đặc biệt, với tình trạng người bị tiểu đường gia tăng, khi xuất hiện sốt hoặc nhiễm trùng nên nghĩ đến whitmore.

Bác sỹ Cường cũng nhấn mạnh, cần phải nâng cao tập huấn cho các nhà vi sinh ở các tuyến. “Nhiều bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên nhầm vì họ không chẩn đoán được vi khuẩn whitmore. Do vậy, các bác sỹ tuyến dưới nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt nhiễm trùng nhưng áp xe nhiều nơi, người bị gan, thận, tiểu đường… phải nghĩ đến whitmore để điều trị đúng cách, hạn chế tử vong”, bác sỹ Cường nói.

“Đặc biệt, với bệnh lý có tỷ lệ tái phát và tử vong cao này, bệnh nhân sau khi điều trị hết giai đoạn tấn công, được xuất viện về nhà vẫn phải tiếp tục điều trị duy trì và được theo dõi bởi các bác sỹ có chuyên môn. Nếu người bệnh bị tái phát trở lại, nặng lên, nguy cơ tử vong rất cao”, chuyên gia này khuyến cáo.

Bệnh whitmore (hay còn gọi bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn sống ở trong đất hoặc trong nước bề mặt, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước trầy da khi tiếp xúc hoặc do hít phải các hạt bụi có vi khuẩn, hít phải nước nhiễm khuẩn khi bơi/đuối nước ở ao, hồ, sông và suối.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-nhanh-can-benh-nguy-hiem-whitmore-ti-le-tu-vong-cao-111259.html