Tăng 'sinh lực' cho Đảng

BPO - Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 20-9-2021 và Chương trình hành động số 28-Ctr/TU ngày 7-10-2022 của Tỉnh ủy đều đề cập về trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển đảng viên; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên của cả nhiệm kỳ và hằng năm; tạo môi trường thuận lợi để quần chúng rèn luyện, phấn đấu vào Đảng theo phương châm “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Vậy tạo nguồn phát triển Đảng ở khu dân cư trong giai đoạn hiện nay khó hay dễ và làm thế nào để tăng cường “sinh lực” cho Đảng?

Bài 1
“GẠN ĐỤC, KHƠI TRONG”

Năm 2022, báo cáo công tác xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhìn nhận “tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng bị xóa tên, đảng viên xin ra khỏi Đảng ngày càng tăng, nhất là đối với đảng viên trẻ, đảng viên là bộ đội, công an xuất ngũ trở về địa phương”. Không chỉ bị hao hụt đảng viên, việc tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng ở chi bộ nông thôn cũng là bài toán khó, kéo dài.

Đảng viên không đi trước, làng nước khó theo sau

Chi bộ X thuộc một đảng bộ trên địa bàn TP. Đồng Xoài có hơn 50 đảng viên, trong đó có đảng viên là hưu trí, cán bộ đang công tác tại địa phương tham gia sinh hoạt, công nhân, người lao động tự do. Tuy nhiên, trong buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, nhiều đảng viên đi muộn hơn 30 phút theo thông báo triệu tập và luôn có người vắng, chưa khi nào đạt tỷ lệ 100% (trừ số đảng viên được miễn sinh hoạt). Số đảng viên tham gia phát biểu trong các buổi sinh hoạt lẻ tẻ, nhạt nhòa, chỉ quanh quẩn những đảng viên lớn tuổi và thường xuyên phát biểu; đảng viên trẻ không mạnh dạn phát biểu, góp ý mà chỉ biểu quyết đồng ý theo hình thức giơ tay...

Trong khi đó, ở một số chi bộ khác, xuất hiện tình trạng đảng viên không còn mặn mà nên lấy lý do để được miễn sinh hoạt. Một số khác bỏ sinh hoạt định kỳ liên tục không lý do dẫn tới chi bộ phải họp lấy ý kiến để làm tờ trình xóa tên khỏi hàng ngũ của Đảng. Thậm chí, một số đảng viên còn tự nguyện xin ra khỏi Đảng. Đó không còn là hiện tượng lẻ tẻ mà đang trở thành thực trạng ở một số chi bộ khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Thiếu nguồn để phát triển đảng viên đang là thực trạng ở các chi bộ khu dân cư - Trong ảnh: Đảng viên Chi bộ khu phố Bình Giang 1, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long trao đổi về những khó khăn, hạn chế của chi bộ, trong đó có việc "già hóa" đảng viên

Ngay trong hội thảo chuyên đề về “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng Đảng cấp cơ sở trên địa bàn thành phố” do Thành ủy Đồng Xoài tổ chức tháng 11-2022 đã nhìn nhận: Trải qua 5 kỳ đại hội, Đảng bộ thành phố đã tập trung chỉ đạo toàn diện, luôn quan tâm công tác xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; tổ chức cơ sở đảng thường xuyên được củng cố kiện toàn, sắp xếp phù hợp; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và tác động của nền kinh tế thị trường, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; công tác giáo dục, quản lý đảng viên; chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng nghị quyết; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đạt thấp; tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình chưa cao; công tác quản lý, theo dõi, phát huy vai trò của “đảng viên 213” chưa hiệu quả; việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; số lượng đảng viên bị kỷ luật, xóa tên, xin ra khỏi Đảng có xu hướng tăng; công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng viên mới ở khu dân cư gặp khó khăn...

Và chính những đảng viên trong chi bộ ở thôn, ấp, khu phố chưa hào hứng với tổ chức, hay cách thức sinh hoạt chi bộ chưa hiệu quả đã phần nào tác động đến tâm tư, nguyện vọng của quần chúng ưu tú.

Chi bộ nông thôn hụt nguồn

Chi bộ khu phố Bình Giang 1, phường Sơn Giang (TX. Phước Long) có 38 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên từ 30-65 năm tuổi Đảng. Hiện tại, chi bộ cho miễn sinh hoạt 15 đảng viên do tuổi cao, sức yếu và một số lý do đặc biệt khác. Năm 2022, số lượng đảng viên của chi bộ tăng 6 người so với năm 2021, tuy nhiên đó đều là những đảng viên được chuyển đến từ đảng bộ hoặc chi bộ khác. Trong năm, Chi bộ khu phố Bình Giang 1 kết nạp 1 đảng viên, đạt chỉ tiêu giao.

Bí thư Chi bộ khu phố Bình Giang 1 Bùi Thị Hảo thừa nhận: Chi bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ song chúng tôi luôn gặp khó trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Mặc dù chi bộ đã có giải pháp, đó là hằng tháng, 2 ngày sau sinh hoạt chi bộ định kỳ, ban chi ủy sẽ họp, giao ban với chi hội, đoàn thể để triển khai nghị quyết, trong đó có nội dung chỉ đạo các đoàn thể giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Tuy nhiên, điều này rất khó vì phần lớn hội viên lớn tuổi, số thanh niên trẻ thì đi học, đi làm ăn xa không ở địa phương, số ít thì tập trung mưu sinh phát triển kinh tế gia đình, không mặn mà với tổ chức, đoàn thể, hội.

Ông Điểu Keng, đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng ở Chi bộ thôn 4, xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) bày tỏ trăn trở trước những khó khăn về tạo nguồn phát triển đảng viên

Ông Điểu Keng, đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng ở Chi bộ thôn 4, xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) bày tỏ trăn trở trước những khó khăn về tạo nguồn phát triển đảng viên

Ở vùng có hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Chi bộ ấp Bù Dinh, xã Thanh An (huyện Hớn Quản) hiện chỉ có 6 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên lớn tuổi, sức khỏe yếu được miễn sinh hoạt. Do đó, thông thường chỉ có từ 4-5 đảng viên sinh hoạt. Đây là trở ngại lớn cho tổ chức hạt nhân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sinh hoạt và thực hiện các nhiệm vụ chính trị cấp trên giao. Ông Lê Tiến Chúc, Bí thư Chi bộ ấp Bù Dinh, xã Thanh An chia sẻ: Là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của quần chúng đối với tổ chức đảng còn mờ nhạt. Một số quần chúng ưu tú đủ điều kiện thì chưa muốn vào Đảng. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục các bạn trẻ và một số quần chúng vào tổ chức đoàn thanh niên, các hội để bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng. Tuy nhiên, cũng gặp những rào cản khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay ở chi bộ thôn, ấp, khu phố do thanh niên đi học và làm ăn xa, không có mặt ở địa phương, số ít thanh niên còn lại không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, một số trường hợp do kinh tế gia đình khó khăn nên không nhiệt huyết vào Đảng. Các đơn vị kinh tế tư nhân cũng khó khăn trong tạo nguồn, số lượng kết nạp rất ít, có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên.

Việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong giai đoạn hiện nay đang được coi là vấn đề khó, song không phải khó là bỏ giữa chừng, không giải quyết được. Bởi thực tế vẫn có nhiều chi bộ nông thôn, với những cách làm linh hoạt và phương châm “vận động tận cùng và đi vào tận gốc rễ để bồi dưỡng” đã phát triển được những nhân tố mới, ưu tú giới thiệu cho Đảng.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/143968/tang-sinh-luc-cho-dang