Tăng sức sống cho bảo tàng

(HNM) - Sở hữu gần 200 bảo tàng, 3 triệu tài liệu, hiện vật cùng 164 bảo vật quốc gia, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát huy vai trò bảo tàng trong việc chuyên chở ký ức, kết nối lịch sử, văn hóa của quá khứ tới con người, xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, những tiềm năng, thế mạnh này chưa được khai thác hiệu quả, đòi hỏi có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức sống cho hoạt động của bảo tàng trong thời gian tới.

Đa dạng các hình thức tương tác góp phần tăng sức hấp dẫn cho hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Sơn Hà

Không chỉ là nơi trưng bày hiện vật

Nằm ngay ngã tư phố Nguyễn Thái Học - Cao Bá Quát - Văn Miếu (quận Ba Đình) tấp nập người qua lại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sở hữu hàng nghìn tác phẩm mỹ thuật mang giá trị tiêu biểu của nền mỹ thuật nước ta qua các thời kỳ, nhưng vẫn đìu hiu khách tham quan. Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, lượng khách trung bình mỗi năm của bảo tàng chỉ khoảng 50.000-60.000 lượt người, trong đó hầu hết là khách quốc tế (chiếm tới 90% số lượng khách).

Tương tự, Bảo tàng Hàng không (phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên), dù nằm ở vị trí thuận lợi cho việc tham quan, nhưng cũng luôn trong tình trạng thưa vắng khách. Nguyên do chủ yếu đến từ việc nội dung trưng bày của bảo tàng không phong phú; hiện vật, tư liệu trưng bày chưa đa dạng, chưa toát lên được câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút người xem. Ông Nguyễn Việt Hùng (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết, hiếm khi thấy khách đến Bảo tàng Hàng không. Thường chỉ có những ngày lễ, kỷ niệm mới có đoàn khách đến tham quan và chủ yếu là cán bộ, nhân viên công tác trong lĩnh vực này.

Câu chuyện của hai bảo tàng kể trên cũng là thực trạng chung của hầu hết các bảo tàng trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thu Hiền, trong gần 200 bảo tàng công lập và tư nhân đang hoạt động trên cả nước hiện nay, số bảo tàng hoạt động thật sự hiệu quả còn rất hạn chế. Ngoài các bảo tàng: Phụ nữ Việt Nam, Dân tộc học Việt Nam, Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chứng tích chiến tranh, Thiên nhiên Việt Nam… hoạt động tốt, phần lớn trong tình trạng hoạt động cầm chừng, rất ít khách, kể cả những nơi không thu phí tham quan. “Điều này phần nào cho thấy giá trị thực tiễn của bảo tàng chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, nội dung trưng bày chưa thực sự được quan tâm, đầu tư. Nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học chưa được khai thác, phát huy, để đến gần hơn với công chúng”, bà Lê Thị Thu Hiền đánh giá.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Triệu Văn Hiển phân tích: Nhiều bảo tàng vẫn giữ lối tư duy cũ, chưa chủ động đổi mới trong các hoạt động để phù hợp với đời sống hiện đại cũng như kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Điều này có thể đến từ tâm lý ỷ lại do được bao cấp, cũng có thể là không có kinh phí và cả hạn chế từ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên, dẫn tới tình trạng nhiều bảo tàng hoạt động thiếu định hướng, kém hiệu quả. Thậm chí, nhiều nơi vẫn giữ quan niệm cho rằng bảo tàng đơn thuần chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ hiện vật. Do vậy, việc phát huy hiệu quả các di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức.

Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động

Các em học sinh tham quan Bảo tàng Hà Nội.

Trước tình hình trên, ngày 31-7-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2887/BVHTTDL-DSVH gửi các bộ, ngành tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc định hướng hoạt động bảo tàng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Có rất nhiều việc cần quan tâm, đầu tư để thực hiện đổi mới hoạt động, nâng cao sức hấp dẫn của các bảo tàng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới hình thức trưng bày, tránh trùng lặp, khô cứng; đa dạng các hoạt động đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, kênh tìm hiểu, trải nghiệm lịch sử, văn hóa, đất nước không thể bỏ qua; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường các hoạt động phối hợp, hỗ trợ giữa các bảo tàng để nâng cấp hoạt động, nâng cao thương hiệu…

Đường hướng đã rõ, vấn đề còn lại là triển khai ra sao trong thực tiễn để đạt được mục tiêu. Từ thực tế của nhiều bảo tàng trên cả nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, cốt lõi của một bảo tàng thành công chính là có những sản phẩm kết nối ấn tượng, tận dụng hiệu quả 3 “trụ cột”: Khoa học, nghệ thuật và công nghệ.

Để làm được điều này, bảo tàng cần chủ động xây dựng mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, mang đến những cảm nhận tối ưu nhất cho người xem khám phá các giá trị quá khứ được lưu giữ tại bảo tàng. Ngoài ra, hoạt động tiếp thị cũng cần được quan tâm với một chiến lược bài bản, khoa học, thông qua báo chí, sách ảnh, pano, áp phích quảng cáo, giới thiệu... Cùng với đó nâng cao chất lượng phục vụ bằng chuỗi cửa hàng lưu niệm với những sản phẩm mang bản sắc, tổ chức dịch vụ ăn uống phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách trải nghiệm.

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân, bên cạnh trưng bày thường xuyên, các bảo tàng cần đầu tư cho trưng bày chuyên đề với những kịch bản riêng, đề cao tính tương tác, khơi gợi tìm tòi, suy nghĩ từ công chúng. Khi đó, bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, mà trở thành nơi phản biện xã hội, thu hút sự quan tâm, suy ngẫm của người xem.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”, UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chỉ đạo Bảo tàng Hà Nội tiến hành điều chỉnh, bổ sung nội dung trưng bày cũng như thiết kế chi tiết, tránh trùng lắp nội dung với các bảo tàng thuộc loại hình lịch sử, xã hội, bảo tàng cấp tỉnh khác; khắc phục sự khô cứng, thiếu hấp dẫn. Hiện tại, Bảo tàng Hà Nội cũng đã đa dạng hóa nội dung trưng bày, kể các câu chuyện lịch sử của Thủ đô thông qua hệ thống công nghệ và các khu trải nghiệm, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

“Bảo tàng Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện thiết kế chi tiết, sớm chuyển sang giai đoạn thi công trưng bày với kỳ vọng câu chuyện về lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người Hà Nội sẽ đến với công chúng trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết thêm.

Góc nhìn

Tạo sức bật mới từ nội lực

Minh Thúy

(HNM) - Những năm gần đây, việc phát triển bảo tàng ở nước ta được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, phần lớn các bảo tàng vẫn trong cảnh vắng khách tham quan, hoạt động cầm chừng, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Xem tiếp »

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/942997/tang-suc-song-cho-bao-tang