Táng tận lương tâm

Công an TP Hải Phòng vừa thực hiện lệnh bắt giữ đối với Nguyễn Xuân Thu (GĐ Công ty TNHH Vinaca) về hành vi sản xuất thuốc chữa ung thư giả bán cho người bệnh khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.

Làm sao có thể không bức xúc đối với việc làm giả thuốc chữa bệnh, ngay cả với những bệnh ít nguy hiểm đã là điều vô lương tâm không thể chấp nhận được, nói gì đến bệnh ung thư cận kề cái chết. Việc làm của Thu có khác gì “bắt tay” với thần chết để “lấy mạng” người bệnh nhanh chóng hơn?

Nói hơi quá, song lâu nay có vẻ thị trường thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng sản xuất trong nước, hoặc nhập khẩu đang được các cơ quan chức năng “thả lỏng”. Chẳng thế mà nhan nhản cơ man các loại thuốc chữa bách bệnh, các loại thực phẩm chức năng mà không biết độ “bổ béo” đến đâu bày bán ê hề, công khai trên thị trường, thậm chí quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, để rồi sau đó một thời gian dài cơ quan chức năng mới phát hiện đó là thuốc rởm, thuốc giả, thực phẩm chức năng không có tác dụng với người bệnh.

Tất nhiên hành lang pháp lý đã khá đầy đủ, những ai cố tình vi phạm, cố tình vứt lương tâm vào sọt rác để sản xuất, nhập khẩu các loại thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh rởm, giả nếu bị phát hiện sẽ phải trả giá thích đáng cho hành vi táng tận lương tâm của bản thân. Song, vấn đề là trong số hàng trăm vụ sản xuất, nhập khẩu thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh giả thì có mấy vụ bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật? Và theo logic thông thường khi không có “sự cố” đặc biệt xảy ra thì cũng chẳng có cơ quan chức năng nào thực sự có trách nhiệm giám sát thị trường thuốc, thực phẩm chức năng để có thể kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Và, hậu quả cuối cùng thì vẫn là người bệnh phải gánh chịu chứ không phải là ai khác. Với những người bệnh thông thường, việc mua phải thuốc chữa bệnh rởm, giả, nếu không có độc tố thì chỉ đơn giản là mất chút tiền mà không khỏi bệnh. Song với những người bị bệnh nặng, bệnh nguy hiểm thì không chỉ là “tiền mất tật mang”, mà đôi khi họ còn bị bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng là điều trị đúng thời điểm, đúng quy trình để có thể giữ lại mạng sống. Ví dụ như bệnh ung thư chẳng hạn. Thay vì có thể kéo dài cuộc sống đôi ba năm, hoặc có cơ may điều trị lành bệnh nếu phát hiện sớm, thì người bệnh càng nhanh chóng suy kiệt vì dùng phải thuốc rởm.

Dư luận xã hội bức xúc không chỉ đơn giản là vì hành vi táng tận lương tâm của Nguyễn Xuân Thu và các thuộc hạ sản xuất thuốc chữa ung thư giả, mà còn bức xúc bởi có rất nhiều cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng... nhưng vẫn để cho những loại hàng hóa đặc biệt này trôi nổi không có kiểm soát, hoặc làm ngơ cho những vi phạm. Chỉ vì cái lợi của bản thân, của một nhóm người, mà không ít người sẵn sàng bán rẻ lương tâm để làm bạn với thần chết, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Vẫn biết, ung thư là một trong “tứ chứng nan y” khó bề cứu chữa. Song, “còn nước còn tát”, dù chỉ còn một hy vọng mong manh thì người bệnh và gia đình vẫn muốn cố gắng hết sức để đấu tranh với tử thần giành giật sự sống. Đáng giận là ngay cả cái hy vọng le lói, mong manh cuối cùng ấy của người bệnh và gia đình cũng bị những kẻ táng tận lương tâm cướp mất không thương tiếc. Ai cũng biết, những người mắc bệnh ung thư hầu như đều tán gia bại sản để “chạy đông, chạy tây” lo chữa trị bệnh, ấy vậy mà có những kẻ còn đang tâm chà đạp, lừa đảo, cướp đi những đồng tiền cuối cùng của người bệnh. Lẽ nào chúng có thể ngủ ngon khi mà nhiều người bệnh vong mạng phải cống nạp những đồng tiền cuối cùng của bản thân và gia đình?

Buồn ở chỗ, vụ việc Vinaca không phải là trường hợp đầu tiên, cũng không phải là trường hợp duy nhất và cũng chưa phải là trường hợp cuối cùng sản xuất thuốc giả để lừa đảo người bệnh. Tạm bỏ qua trên thị trường hiện còn vô khối các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng rởm, giả, kém chất lượng đang bày bán công khai, ê hề mà không có sự kiểm soát, hãy chỉ nhắc đến những vụ việc đình đám mà cơ quan chức năng đã “khui” ra cũng đủ thấy vô cùng phẫn nộ và đau xót. Chẳng phải TAND TP HCM vừa mới xử vụ nhập khẩu thuốc chữa ung thư giả mà người ta vẫn cố cãi là “chưa đảm bảo chất lượng” đó sao?

Đến một việc lình xình, đình đám đến như vậy mà các cơ quan chức năng vẫn cố “cãi sống, cãi chết” để thoái thác, rũ bỏ trách nhiệm, nói gì đến thị trường thuốc, thực phẩm chức năng hiện nay. Với hiện thực nói trên thì người bệnh, dù nhẹ hay nặng, dù đơn giản hay nan y sẽ mãi mãi buộc phải chấp nhận nghịch cảnh bỏ tiền ra mua thuốc chữa bệnh hay thực phẩm chức năng rởm, giả, kém chất lượng, thậm chí có hàm tố độc hại về dùng. Khi mà còn nhiều người vì cái lợi trước mắt của bản thân mà làm bạn với thần chết, sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng rởm, giả, kém chất lượng, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn thờ ơ với các hành vi vi phạm pháp luật đó thì người bệnh chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm “người bệnh thông thái” để có thể tự nhận biết được các loại thuốc giả, thuốc thật mà thôi.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tang-tan-luong-tam-tintuc402698