Tăng thêm động lực

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sáng 22/10 đã cho thấy các chỉ tiêu kinh tế xã hội 9 tháng và ước cả năm đạt được là rất tích cực và thể hiện sự chuyển biến rõ nét của nền kinh tế đất nước. Đó là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (6,7%), CPI cả năm ước dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước tăng 11,2%, vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong đó thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Cả năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh... Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Những kết quả trên đã cho thấy xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế đang được cải thiện rõ rệt. Nó cũng là thành quả từ công tác điều hành của Chính phủ với quan điểm tăng cường kỷ luật kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách tạo đột phá, thí điểm nhiều mô hình hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng... Đây là tiền đề, là động lực quan trọng để Chính phủ đặt ra những mục tiêu cao cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó GDP tăng 6,6 - 6,8%.

Trong bối cảnh những diễn biến thuận lợi của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong đợi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội nó có nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng nó cũng mở ra cơ hội rất lớn về hội nhập, mở rộng thị trường, hợp tác giao thương. Nếu được thông qua, nhiều khả năng Việt Nam trở thành thành viên thứ 5 trong số 11 thành viên phê chuẩn CPTPP. Theo quy định, nếu có từ 6 thành viên phê chuẩn trở lên thì CPTPP sẽ có hiệu lực.

Một hiệp định nữa, ngày 17/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đệ trình Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) để chờ xét duyệt. Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện châu Âu và 28 nước thành viên EU phê duyệt. Theo báo cáo “EVFTA: Góc nhìn từ Việt Nam”, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vừa công bố hôm 8/10 tại Brussels (Bỉ), gần như tất cả doanh nghiệp châu Âu mong đợi EVFTA sẽ được thông qua và thực thi vào năm 2019, hoặc sớm nhất có thể. EVFTA sẽ đem lại lợi ích đôi bên, tạo động lực và mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác.

Với những tiến triển khả quan của nền kinh tế và những cơ hội từ các hiệp định thương mại đang đến gần, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam đang có nhiều động lực hơn để kỳ vọng những tháng cuối năm, sang năm mới có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đạt kết quả cao hơn sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Hiệp Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-them-dong-luc.aspx