Tăng thời gian làm thêm giờ: Phải tính tiền lương lũy tiến

Nếu được tăng thêm giờ làm, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hạn chế tuyển dụng lao động mới, điều này cũng sẽ gây áp lực về mặt xã hội rất lớn về cơ hội việc làm.

Thời gian làm thêm giờ tối đa sẽ được tăng lên 400 giờ/năm. (Ảnh minh họa)

Thời gian làm thêm giờ tối đa sẽ được tăng lên 400 giờ/năm. (Ảnh minh họa)

Chính phủ trình Quốc hội lấy ý kiến dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi với nhiều quy định mới, trong đó có nội dung ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động đó là tăng thời giờ làm thêm. Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Ngành nghề nào thì dược làm thêm giờ tối đa?

Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.

Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi quy định mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Các doanh nghiệp cho rằng quy định này còn khá chặt đối với doanh nghiệp.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng việc tăng trần thời gian làm thêm giờ là phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, những ngành IT nghiên cứu phát triển sản phẩm còn đòi hỏi nghiên cứu dài, không nên quy định cứng nhắc thời gian làm thêm giờ.

Bà Đào Thị Thu Huyền chỉ ra một thực tế, hầu hết doanh nghiệp gia công đều có thể xin tăng mức làm thêm giờ từ lên 300 giờ/năm. Nếu doanh nghiệp quy định ngành nghề đặc biệt mới được làm thêm 400 giờ/năm thì sẽ phân biệt thế nào? Không thể nói doanh nghiệp nào đặc biệt hơn, vì doanh nghiệp nào cũng phải sản xuất đơn hàng, bán hàng.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cũng cho rằng quy định trường hợp đặc biệt mới được làm thêm 400 giờ/năm sẽ nảy sinh vấn đề vì sự so sánh, phân biệt đối xử, do đó nên nâng trần lên 400 giờ/năm chứ không phải là 300 giờ/năm như hiện nay.

“Đối với doanh nghiệp được làm thêm 400 giờ/năm thì thủ tục gửi cơ quan chức năng chỉ là thông báo, nếu giữ quy định đăng ký rồi phê duyệt sẽ thêm thủ tục hành chính, mất đi cơ hội của doanh nghiệp,” đại diện AmCham Vietnam nhấn mạnh.

Tiền làm thêm giờ phải tính lũy tiến

Theo dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, đối với giờ làm thêm, người sử dụng lao động sẽ phải trả lương cao hơn và đãi ngộ hợp lý cho người lao động. Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh hiện nay, làm thêm giờ phải đặt trên nhiều yếu tố từ sức khỏe, việc làm, thất nghiệp, an toàn lao động, nhất là các quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo, tương quan phù hợp với xu thế của thế giới là giảm giờ làm và tăng thời gian nghỉ ngơi.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ: "Từ góc độ công đoàn, chúng tôi đồng ý nới khung giờ làm thêm lên 400 giờ, nhưng chúng tôi đồng ý trong tâm trạng buồn, nghẹn ngào. Có một thực tế, thu nhập của người lao động chúng ta rất thấp, hiện nay luật quy định làm thêm tối đa 300 giờ/năm nhưng có những nơi huy động lên 500-600 giờ/năm. Người lao động phải bán sức thêm giờ để đảm bảo cuộc sống gia đình của họ.”

Từ thực tế đó, ông Ngọ Duy Hiểu đồng tình với quy định tiền công làm thêm giờ phải tăng lũy tiến.

Không phải người lao động nào cũng có nhu cầu và đủ sức khỏe đáp ứng việc tăng ca liên tục. Tăng giờ làm thêm, tăng thu nhập là thực tế nhưng cũng là cách các chủ doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc ép người lao động làm thêm.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng tiền lương làm thêm giờ phải tính lũy tiến sẽ có tác động tích cực, để người sử dụng lao động khi huy động người lao động làm thêm giờ phải cân nhắc. Đúng nghĩa là để giải quyết các công việc đột xuất phát sinh ngoài kế hoạch, chứ không phải là sử dụng làm thêm giờ để giải quyết công việc thường xuyên, hiện nay một số doanh nghiệp áp dụng làm thêm giờ quanh năm.

Nếu được tăng thêm giờ làm, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hạn chế tuyển dụng lao động mới; điều này cũng sẽ gây áp lực về mặt xã hội rất lớn về cơ hội việc làm. Tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận người lao động.

“Việc tính tiền lương làm thêm giờ lũy tiến sẽ tránh doanh nghiệp áp dụng chính sách trả lương thấp để huy động làm thêm giờ. Đáng lẽ phải tuyển dụng lao động phù hợp nhưng lại lợi dụng làm thêm giờ để giảm chi phí tuyển dụng lao động,” ông Lê Đình Quảng nói.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định nguyên tắc tự nguyện,chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ. Bên cạnh đó, luật quy định đảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ./.

Ý kiến của ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động về tăng thời gian làm thêm giờ:

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tong-lien-doan-lao-dong-dong-y-tang-gio-lam-them-trong-nghen-ngao/572931.vnp