Tăng thu cho các trường đại học: Từ những khoản ngoài học phí

Báo cáo tài chính công khai của trường đại học (ĐH) về việc học phí của các cơ sở này chiếm trên 70% nguồn thu, đang khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. Bởi điều này cho thấy, tại đa số các trường ĐH, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Doanh thu nghìn tỷ đồng chủ yếu từ học phí

Thời gian qua, vấn đề học phí của các trường ĐH được dư luận quan tâm. Trước khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024, trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH đều dự kiến học phí năm học mới sẽ tăng từ 10 - 20% so với mức hiện tại.

Đáng lưu ý, năm học vừa qua Học viện Hàng không Việt Nam bị yêu cầu hoàn trả hơn 56 tỷ đồng học phí cho sinh viên do chưa thu đúng trong 2 năm qua. Cụ thể, tháng 4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương giữ ổn định mức thu học phí như năm học trước. Tuy nhiên, Học viện Hàng không Việt Nam vẫn thu tăng khoảng 10% theo Nghị định 81 mà không sửa lại theo quy định của Bộ. Do đó, trường phải hoàn trả lại mức thu chênh theo quy định và bị kiểm điểm.

Theo báo cáo ở “ba công khai” và đề án tuyển sinh năm 2023 mà các trường ĐH đã công bố, bên cạnh chỉ tiêu, phương thức xét tuyển, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm… những thông tin về chi phí đào tạo và doanh thu hợp pháp của trường ở năm trước liền kề năm tuyển sinh cũng được nhiều trường thông tin cụ thể.

Các trường ĐH cho hay, học phí hiện chiếm trên 70% nguồn thu của các trường. Đơn cử, năm 2021, tổng thu của ĐH Bách khoa Hà Nội là trên 1.050 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn thu từ học phí là 776,6 tỷ đồng (chiếm gần 74%), từ ngân sách là 122,8 tỷ đồng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 12,5 tỷ đồng và thu từ nguồn hợp pháp khác là 138,7 tỷ đồng; ĐH Kinh tế TPHCM năm 2021 tổng thu 1.215,11 tỷ đồng, trong đó thu từ học phí 888,07 tỷ đồng (chiếm khoảng 73%), từ ngân sách 9,13 tỷ đồng, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là trên 10 tỷ đồng, từ nguồn hợp pháp khác là 307,79 tỷ đồng…

Về mặt lý thuyết, hiện có 3 nguồn thu chính của các trường ĐH bao gồm: Ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, kêu gọi mạnh thường quân, hợp tác công tư...) Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, học phí vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH hiện nay, chiếm tỷ trọng 50 - 90% nguồn thu.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, điều này trái với tình hình thực tế tại các nước phát triển về giáo dục ĐH.

Cần tìm cách tăng nguồn thu

Từ những số liệu trên, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH (Viện Khoa học Giáo dục) nhận định: Ngân sách chi cho giáo dục đào tạo ngày càng giảm, chứng tỏ ngân sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo không nhiều. Trước tình cảnh này, các trường ĐH sẽ phải sử dụng nguồn thu học phí để bù các khoản chi, tất nhiên sẽ có tiết kiệm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo ông Phương, khi học phí là nguồn thu chủ đạo, các trường ĐH sẽ phải tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí hoặc tăng số lượng tuyển sinh. Bên cạnh đó kinh phí đầu tư sẽ ít hơn nên khả năng cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị giảm đi.

Ông Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phân tích: Trên thực tế, các trường ĐH ở Việt Nam không tạo ra được nguồn thu nào đáng kể ngoài học phí sinh viên. Hiện, kết quả thu được từ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các trường đang quá kém. Nguyên nhân chính là các trường không đầu tư, tập trung cho mục đích nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, một nguồn thu rất lớn, có thể gấp đôi, gấp ba học phí sinh viên mà chưa trường ĐH nào ở Việt Nam khai thác được là các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt của sinh viên. Ông Dũng cho rằng: Làm một phép tính nhanh, nếu học phí trung bình của sinh viên là 25 triệu đồng/năm, tổng thu từ học phí của một trường ĐH có 30.000 sinh viên khoảng 750 tỷ đồng. Như vậy, nguồn thu từ dịch vụ sinh viên gần gấp ba học phí. Cộng thêm những nguồn thu nhỏ lẻ khác, trường có khoảng 2.900 tỷ đồng.

Do đó, để giúp các trường ĐH tăng nguồn thu, theo ông Dũng, Nhà nước cần có cơ chế thoáng hơn, cho phép các trường kinh doanh, đầu tư bên cạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có như thế, các trường mới có thể xoay xở, mở rộng nguồn thu, duy trì phụ thuộc 50% vào học phí là lý tưởng.

Một trong những nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong văn bản hướng dẫn thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh tại các trường ĐH, cao đẳng sư phạm mới đây là: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thanh tra mức học phí của các trường ĐH. Mục tiêu của lần thanh tra, kiểm tra này giúp các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và nhằm phát hiện, xử lý vi phạm nếu có.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tang-thu-cho-cac-truong-dai-hoc-tu-nhung-khoan-ngoai-hoc-phi-5725628.html