Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng và tận dụng phụ phẩm lúa gạo

Hàng ngàn hộ nông dân đã tăng thêm thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo để trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ.

Mạnh dạn chuyển đổi

Tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – VnSAT, nhiều HTX ở ĐBSCL đã mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa, đa dạng hóa cây trồng, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Thay vì sản xuất lúa 2, 3 vụ/năm, nông dân được tập huấn kỹ thuật về trồng rau màu, để thay thế 1 vụ lúa/năm, nhất là những vụ sản xuất lúa kém hiệu quả như vụ hè thu, xuân hè.

 Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang tổ chức hội thảo, chuyển giao kỹ thuật luân canh cây trồng trên đất lúa cho xã viên các xã viên trên địa bàn. Ảnh: Trung Chánh.

Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang tổ chức hội thảo, chuyển giao kỹ thuật luân canh cây trồng trên đất lúa cho xã viên các xã viên trên địa bàn. Ảnh: Trung Chánh.

Tháng 10 vừa qua, Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang đã tổ chức hội thảo, chuyển giao kỹ thuật luân canh cây trồng trên đất lúa cho xã viên HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I (ấp Sóc Cung, xã Phi Thông, TP Rạch Giá, Kiên Giang).

Th.S Võ Thị Hồng Thủy, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang cho biết, nội dung hội thảo, tập huấn kỹ thuật trồng rau màu ngắn ngày trên đất lúa. Sau đó, để nông dân cùng thảo luận, lựa chọn đăng ký mô hình phù hợp nhất tại địa phương, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình trong vụ xuân hè tới. Ngoài ra, nông dân cũng có thể áp dụng mô hình trồng rau màu trên đê bao chung quanh diện tích đất lúa của gia đình, để tăng thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Đoàn Kết I cho biết, HTX được thành lập vào năm 2012, với tổng số 98 thành viên, diện tích canh tác 275 ha, thực hiện dịch vụ bơm tát tập trung và bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Tham gia dự án VnSAT, các xã viên được tập huấn kỹ thuật, lãnh đạo HTX được tập huấn nâng cao năng lực, thực hiện tốt hơn các dịch phục vụ sản xuất.

Ban quản lý dự án VnSAT Đồng Tháp hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn tận dụng sản phẩm phụ từ lúa gạo cho HTX nông nghiệp Phước Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cụ thể, việc tổ chức bơm tát tập trung giúp giảm được chi phí, hạn chế được dịch bệnh do gieo sạ đồng loạt, né rầy, giảm thời gian đồng án nên thành viên HTX rất phấn khởi. Đồng thời, để thực hiện việc bao tiêu sản phẩm, HTX đã hợp tác với các công ty, bao tiêu lúa hàng hóa cho bà con xã viên. Với diện tích canh tác 275 ha, năng suất lúa bình quân hơn 7 tuấn/ha, sản lượng mỗi vụ gần 2 ngàn tấn.

Theo ông Hùng, mới đây, HTX Đoàn Kết I đã được cán bộ dự án VnSAT Kiên Giang tập huấn luân canh cây trồng trên đất lúa, lựa chọn rau màu phù hợp để phát triển. HTX nằm trên địa bàn xã vùng ven của thành phố Rạch Giá, trung tâm của tỉnh Kiên Giang, nếu đầu tư sản xuất rau màu sẽ rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa.

Tại An Giang, dự án VnSAT triển khai từ vụ Thu Đông năm 2016, tại 45 xã thuộc 5 huyện gồm Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn, đối tượng là 26 ngàn hộ nông dân trên địa bàn, với diện tích 38.600 ha.

Mục tiêu của VnSAT An Giang là đến năm 2020 toàn vùng dự án có 17 ngàn ha áp dụng thành công các giải pháp canh tác tiên tiến, như “3 giảm, 3 tăng” và “ 1 phải, 5 giảm”, diện tích canh tác có liên kết tiêu thụ sản phẩm là 5.600 ha, từ đó tăng thu nhập cho người trồng lúa lên 30%.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Ban quản lý dự án VnSAT An Giang đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” “1 phải, 5 giảm” cho 23 ngàn lượt nông dân, thông qua 750 lớp đào tạo tập huấn trên diện tích 35.500 ha. Song song đó, thực hiện 100 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Ghi nhận tại các xã tham gia dự án VnSAT là nông dân giảm đáng kể lượng lúa gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó thu nhập từ sản xuất lúa của bà con vùng dự án tăng 22,3%.

Tham gia dự án VnSAT, nông dân được tập huấn kỹ thuật sử dụng sản phẩm phụ từ lúa gạo để ủ phân hữu cơ, phục vụ sản xuất nông sản sạch, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Vũ.

Anh Nguyễn Văn Minh, HTX Nông nghiệp Vọng Đông, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: Gia đình có 2 ha canh tác lúa 3 vụ/năm, thông thường làm lúa vụ 2 (hè thu) thường bị sâu bệnh. 2 năm qua, anh tham gia được lớp học của VnSAT An Giang nên làm có lãi cao.

Biến phụ phẩm thành nguồn thu nhập

Hoạt động sản xuất lúa gạo không chỉ tác động đến môi trường do sử dụng tài nguyên đất, nước, sử dụng phân bón, thuốc hóa học, mà các sản phẩm phụ như rơm rạ, vỏ trấu nếu không được thu gom sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nhờ các hoạt động thiết thực của dự án VnSAT, các tác động xấu đến môi trường đã được giảm thiểu.

Trong đó, phải kế đến hoạt động tập huấn giúp nông dân sử dụng sản phẩm phụ từ sản xuất lúa gạo, như thu gom rơm trên trồng ruộng mang về chất nấm rơm. Bên cạnh đó, còn tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Còn vỏ trấu, phục vụ sản xuất nông sản sạch như trấu viên để xuất khẩu… từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường thay vì trước đây phải bỏ đi.

Nhờ được dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, rất nhiều hộ nông dân ĐBSCL đã biết tận dụng sản phẩm phụ từ lúa gạo để trồng nấm rơm, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang), Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang vừa tổ chức tập huấn cho các xã viên sử dụng phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo, chủ yếu là thu gom rơm trồng nấm. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả, tạo ra việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập. Đặc biệt là giảm được ô nhiễm môi trường, tránh gây ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo do rơm, rạ không kịp phân hủy.

Còn tại HTX Nông nghiệp Phước Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nhiều năm qua nhờ dự án VnSAT hỗ trợ đã giúp HTX và xã viên trồng lúa đem lại thu nhập cao vừa bảo vệ sức khỏe và cả môi trường xung quanh.

Nhờ được dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, rất nhiều hộ nông dân ĐBSCL đã biết tận dụng sản phẩm phụ từ lúa gạo để trồng nấm rơm, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Trần Vũ Hiến, kiểm soát viên HTX Phước Tiền cho biết, vụ lúa này nông dân phấn khởi và tự tin hơn nhờ VnSAT đầu tư cơ sở vật chất kiên cố, nhất là hệ thống tưới tiêu khá tốt, lúa trồng trong đê bao nên rất yên tâm không sợ mưa lũ bị ngập úng. HTX còn khuyến khích nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa, tận dụng rơm rạ ngoài đồng thay vì bán hoặc đốt bỏ đi mà đem về nhà trồng nấm rơm, để tăng thu nhập...

Giá trị tăng thêm từ lúa gạo toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm

Mục tiêu của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – VnSAT là góp phần triển khai thực hiện có có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức quản lý canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê, ở hai vùng sản xuất chủ lực là ĐBSCL và Tây Nguyên.

Mục tiêu kinh tế, riêng hợp phần lúa gạo có 200 ngàn ha sản xuất lúa được áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân tăng 30%/ha, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40-60 triệu USD/năm.

Về mặt xã hội, có khoảng 140 ngàn hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL được tiếp cận, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, HTX. Giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa, tận dụng được phụ phẩm trong canh tác lúa gạo để hướng tới mô hình sinh thái khép kín. Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành được lụa chọn tham gia dự án.

PHÚC NGHI

Đ.T.CHÁNH – LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tang-thu-nhap-nho-chuyen-doi-cay-trong-va-tan-dung-phu-pham-lua-gao-d276748.html