Tăng thực chất, giảm tính hình thức

Những năm vừa qua, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đạt nhiều kết quả tốt, nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục cắt giảm những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cắt giảm ĐKKD vẫn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý, cắt giảm thực chất, tránh cắt giảm cơ học.

Số lượng cắt giảm cơ học không quan trọng bằng tính thực thi

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP): Kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đã được xây dựng nhằm tiếp tục giảm thiểu các rào cản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu của kế hoạch đưa ra là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025. Để triển khai kế hoạch này, Tổ công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng sẽ được thành lập.

Đánh giá về kế hoạch, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Đây là một kế hoạch nhận được sự kỳ vọng cao đem đến những cải cách đột phá. Vì kế hoạch này không dừng lại ở việc cắt giảm thủ tục, điều kiện mà bãi bỏ hẳn quy định, văn bản có chứa ĐKKD". Ông Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh, nếu chỉ bỏ đi công cụ quản lý thì sẽ không hiệu quả, dễ gây khoảng trống trong quản lý. Quan điểm của Chính phủ không phải cắt giảm văn bản, quy định một cách cơ học mà là thay đổi tư duy quản lý, từ đó có cách làm đạt hiệu quả theo phương thức khác, giúp giảm thời gian, chi phí hơn nữa cho doanh nghiệp. Do đó, cần bãi bỏ những quy định không phù hợp; ban hành ít quy định, nhưng quy định phải thông minh hơn, tức là giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Cần hướng tới việc ban hành một nghị định hướng dẫn một nhóm vấn đề và hướng dẫn nhiều luật, qua đó sẽ giải quyết được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật. Ví dụ, đối với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, chỉ cần một nghị định hướng dẫn về thủ tục đầu tư. Nhà đầu tư chỉ cần đọc một nghị định đó có thể biết cả quy trình thực hiện.

Cùng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Qua rà soát của VCCI, tại nhiều văn bản, quy định có các phụ lục, biểu mẫu có chứa ĐKKD. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các điều kiện khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Nếu thực hiện được thủ tục liên ngành sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, có thể tạo ra những chuyển biến lớn. Ví dụ, nếu kết hợp được thủ tục về đăng ký kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký bảo hiểm xã hội và thuế khi doanh nghiệp gia nhập thị trường thì doanh nghiệp sẽ rất dễ dàng thực hiện".

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng: "Không nên chỉ cắt giảm về định lượng, cơ học mà quan trọng là tính thực thi pháp luật. Cần đánh giá lại việc cắt giảm thời gian qua đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật, đem lại chuyển biến như thế nào, để đánh giá đi vào thực chất. Đối với Bộ NN&PTNT, mỗi năm, bộ chọn 1-2 lĩnh vực để đánh giá việc thực thi". Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, việc thành lập Tổ công tác thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là cần thiết để giám sát việc thực thi từ Trung ương đến địa phương, từ các cục đến các chi cục, cơ quan vùng…

Sẽ có bộ công cụ đánh giá thực chất

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ bàn về xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo dư địa lớn đối với tăng trưởng kinh tế đất nước. Cần phải kiểm soát việc ban hành các thông tư, vì nhiều rào cản rất lớn đang nằm trong các văn bản này. Nguyên tắc là khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ, một thông tư ban hành mới phải bãi bỏ ít nhất hai thông tư cũ, tiến tới giảm dần ban hành thông tư. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng đồng ý với quan điểm, một nghị định ban hành sẽ điều chỉnh xuyên suốt một nhóm vấn đề. Cùng với đó, cần hạn chế phát sinh thêm văn bản khi sửa nghị định. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: "Chính phủ sẽ tham khảo kinh nghiệm cải cách của Vương quốc Anh. Nước Anh đã có 72 năm kinh nghiệm trong cải cách hành chính và có thể ban hành một văn bản mới, hủy bỏ 3 văn bản cũ".

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu xây dựng bộ công cụ cắt giảm văn bản, quy định, cách thức tính chi phí tuân thủ. Trên cơ sở chấm điểm, đánh giá sự tích cực của các bộ, ngành sẽ thấy được mức độ thực chất của việc cắt giảm. Cùng với đó, VPCP cũng đang xây dựng Trung tâm tham vấn chính sách và Trung tâm báo cáo quốc gia. Trung tâm tham vấn chính sách khi được hình thành sẽ hỗ trợ Chính phủ kiểm soát việc ban hành văn bản, quy định. Qua đó, phát hiện ra những văn bản ban hành trái quy định, chồng chéo thông qua phần mềm, ứng dụng.

NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-thuc-chat-giam-tinh-hinh-thuc-606908