Tăng thực hành trong quá trình đào tạo

Nhiệm kỳ 2015-2020, Khoa Động lực là một trong những đơn vị tiêu biểu của Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) trong công tác đào tạo bậc đại học và sau đại học.

Đại tá Võ Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Động lực cho biết, một trong những kết quả nổi bật của công tác đào tạo của khoa trong 5 năm qua là đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo (CTĐT) theo hướng tăng cường thực hành, thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành và giải quyết bài toán thực tiễn cho học viên.

Từ năm 2018, Khoa Động lực tiến hành đổi mới CTĐT đối với hai chuyên ngành đào tạo là xe tăng thiết giáp (TTG) và xe máy công binh, theo hướng giảm số tiết lý thuyết, tăng thực hành trên vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) bằng cách tăng cường cho học viên đi thực tế tại đơn vị. Nhờ đó, học viên không chỉ từng bước nắm được tính năng tác dụng mà còn thao tác thuần thục và hiểu sâu hơn về công tác bảo đảm kỹ thuật VKTBKT. Thời gian tới, Khoa Động lực kiến nghị với Học viện KTQS đưa học viên đi huấn luyện thực hành tại các đơn vị ngay sau lễ ra quân huấn luyện, nhằm tăng thời gian “bám” VKTBKT cho học viên; phấn đấu cấp bằng lái xe tăng cấp 1 cho kỹ sư TTG khi tốt nghiệp. Tiếp theo là đề xuất điều chỉnh CTĐT chuyên ngành ô tô quân sự theo hướng tăng cường thực hành, thực tập. Trong 5 năm qua, khoa hoàn thành rà soát, bổ sung 4 CTĐT thạc sĩ, 4 CTĐT kỹ sư quân sự theo mô hình 4+1 với mục tiêu nâng cao trình độ cho học viên, đáp ứng yêu cầu theo vị trí chức danh sau khi tốt nghiệp. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Động lực cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy-học tích cực, với 85% tổng số giáo viên đăng ký tham gia. Trong giảng dạy đã lấy người học làm trung tâm, như bảo đảm tỷ lệ thời gian tương tác với học viên trong mỗi tiết học; bám sát các tiêu chí để trang bị kiến thức cho học viên đáp ứng chuẩn đầu ra của từng môn học.

Một buổi sinh hoạt học thuật của Khoa Động lực (Học viện Kỹ thuật quân sự).

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Khoa Động lực chia sẻ, 10 năm qua, Khoa Động lực đã đào tạo được 10 khóa cao học với gần 400 học viên tốt nghiệp; 33 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ; trở thành một trong những khoa có tỷ lệ nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công cao nhất học viện. Một trong những kinh nghiệm được khoa đúc rút trong quá trình đào tạo sau đại học là phải duy trì chặt chẽ nền nếp giảng dạy; việc xét duyệt tên đề tài luận văn cao học, luận án tiến sĩ và đề cương được tiến hành nghiêm túc, từ cấp bộ môn và hội đồng khoa học của khoa; tổ chức các buổi seminar từ phạm vi hẹp đến cấp khoa, với khách mời là các nhà khoa học, chuyên gia đến từ nhiều trường trong cùng lĩnh vực chuyên ngành, nhằm giúp nghiên cứu sinh hoàn chỉnh luận án, đồng thời tạo cơ hội cho nghiên cứu sinh giới thiệu nội dung nghiên cứu của luận án tới các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài học viện, tạo thuận lợi cho các bước đánh giá luận án tiếp theo.

Nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với triển khai toàn diện các nhiệm vụ, Khoa Động lực tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, với khâu đột phá được lựa chọn là rà soát toàn bộ CTĐT, cập nhật bổ sung nội dung, kiến thức theo hướng bám sát sự phát triển của lĩnh vực chuyên ngành, thực tiễn sử dụng VKTBKT của đơn vị, kết hợp với đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực. Ngoài ra, khoa sẵn sàng tham gia giảng dạy trực tuyến và các nhiệm vụ trong khuôn khổ dự án nhà trường thông minh; tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành, thí điểm việc dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ...

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tang-thuc-hanh-trong-qua-trinh-dao-tao-631150