Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu: Ai bị thiệt hại nặng nhất?

Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu tăng từ 1/1/2019, ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.

Thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu tăng từ 1/1/2019, hàng hóa có nguy cơ tăng giá dây chuyền - Ảnh: Tạ Tôn

Bên cạnh đó là nguy cơ tăng giá dây chuyền mà đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo.

Doanh nghiệp “thắt lưng”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua việc tăng thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; đối với dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; đối với mỡ nhờn từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg; và đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.

Trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết tăng thuế BVMT gửi Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải đồng tình với Bộ Tài chính rằng việc tăng thuế BVMT với xăng dầu chỉ tác động đến giá cước vận tải khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Đối với sản xuất điện, kính, gốm cơ bản không tác động do không còn dùng dầu mazut; hoạt động đánh bắt cá của ngư dân dùng dầu diesel thì mức tăng thuế ở mức thấp 500 đồng/lít.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dầu mazut vẫn là đầu vào của một số ngành sản xuất hàng hóa. Việc tăng thuế suất lên kịch khung (tăng 1.100 đồng/lít) là cao, tác động tới sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và người dân. Ngay cả với dầu hỏa, ban đầu Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 300 đồng lên 2.000 đồng nhưng vấp phải nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng đây là mức tăng cao và đột ngột, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân vùng chưa có điện, nên chỉ tăng 1.000 đồng/lít.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu thì chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản. Cụ thể, chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải chiếm từ 25% -35% cơ cấu giá thành đối với xe chạy xăng, từ 35-45% đối với xe chạy dầu; còn hàng không là 39,5%. Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33 -59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành. Do đó, tác động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không tránh khỏi.

Chủ tịch HĐQT Taxi Thành Công Nguyễn Anh Quân xác nhận với PV Báo Giao thông: Giá cước chắc chắn bị tác động bởi giá xăng chiếm 28-35% cơ cấu giá cước. Chưa tính toán được tác động cụ thể đối với doanh thu năm tới, ông Quân cho biết: “Mấy ngày tới Hiệp hội taxi sẽ họp lại, doanh nghiệp sẽ có ý kiến bởi giai đoạn này doanh nghiệp đang rất khó khăn, hiện cũng không phải những tháng cao điểm. Doanh nghiệp luôn ý thức rõ ràng việc áp dụng công nghệ mới, tính toán biểu đồ vận hành xe, tập trung vào điểm mạnh, địa bàn mạnh để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với taxi công nghệ, doanh nghiệp vừa muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa muốn giảm chi phí là bài toán khó”.

Người dân phải “buộc bụng”

Chị Nguyễn T.T (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) vừa đổ đầy bình xăng tổng cộng 109.000 đồng đi trong một tuần với đơn giá xăng RON95-III 21.770 đồng/lít, mức giá vừa được Liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh ngày 21/9. Nếu giá xăng giữ ổn định ở mức này và thuế BVMT tăng thêm 1.000 đồng/lít thì chị T. phải chi 113.850 đồng, tăng 4.850 đồng/tuần, 19.400 đồng/tháng. Gia đình chị có hai chiếc xe máy để hai vợ chồng đi làm, như vậy mỗi tháng chi cho tiền xăng tăng thêm gần 40.000 đồng. “Với lương công chức, số tiền này không lớn cũng không nhỏ, nhưng với những người lao động thu nhập thấp là khoản chi phí đáng kể”, chị T. cho biết.

Chị Phùng Thị Hải (ở Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày chị đi xe máy hơn 40km xuống Hà Nội buôn rau củ, gà và trứng. Mỗi tháng chị Hải đổ hết khoảng 410.000 đồng tiền xăng cho chiếc xe máy cũ duy nhất của gia đình. Nếu giá xăng tăng thêm 1.000 đồng, chị Hải tính toán số tiền chi thêm là khoảng 45.000 đồng mỗi tháng, tương đương tiền thức ăn (không tính gạo, rau, trứng… đã có sẵn) cho gia đình 4 người tằn tiện trong hai ngày.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá cước vận tải tăng sẽ kéo giá cả các mặt hàng khác tăng theo. Nên tác động tới người dân không chỉ là tăng giá xăng đổ vào ô tô, xe máy mà còn giá cả các mặt hàng khác. Nếu tính theo tỷ trọng tác động thì người nghèo chịu tác động mạnh hơn bởi thu nhập thấp, mà giá cả hàng hóa sẽ tăng từ gạo, muối tới xi măng, sắt thép…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, giá xăng dầu tăng do thuế BVMT tăng sẽ tác động tới năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Và đây không phải là cách nuôi dưỡng nguồn chi như Bộ Tài chính vẫn đề cập.

Theo đánh giá tác động của Chính phủ, xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác. Đồng thời, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn (Quỹ Bình ổn giá BOG) để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết. Do thời gian áp dụng từ 1/1/2019 nên CPI 2018 không bị tác động. Với 2019, theo phương pháp tính CPI bình quân, việc tăng thuế nói trên sẽ làm tăng CPI bình quân 2019 từ 0,07-0,09% và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019. Tuy nhiên, ông Long và một số ý kiến cho rằng, đánh giá này của Bộ Tài chính cần kiểm chứng, thẩm định lại có chính xác hay không.

Ngân sách sẽ thu được trên 57.000 tỷ mỗi năm

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các Hiệp định thương mại tự do, số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu giảm từ 53.000 tỷ đồng năm 2015 xuống khoảng 13.400 tỷ đồng năm 2016; xuống khoảng 14.100 tỷ đồng năm 2017 và sẽ giảm xuống khoảng 10.300 tỷ đồng năm 2018; số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu sẽ tiếp tục giảm cho đến khi thuế nhập khẩu giảm về 0% (theo Hiệp định ATIGA, mức thuế đối với mặt hàng xăng về 0% vào năm 2024).

Trong khi đó, tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2017 khoảng 150.810 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỷ đồng/năm. Với việc tăng thuế BVMT vừa được thông qua, tổng số thu thuế BVMT dự kiến là khoảng 57.612,0 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189,2tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế BVMT từ xăng, dầu dự kiến khoảng 55.096 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tang-thue-bao-ve-moi-truong-xang-dau-ai-bi-thiet-hai-nang-nhat-d272965.html