Tăng thuế nhập khẩu thép, nhôm có 'cứu' được sản xuất nội địa Mỹ?

Hiện đang dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu.

Tăng thuế nhập khẩu để “cứu” sản xuất nội địa?

Tổng thống Donald Trump vừa làm gia tăng nỗi lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu sau khi ký sắc lệnh áp mức thuế suất mới, 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Ảnh: Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đánh mạnh thuế vào thép (Ảnh: Shutterstock)

Nhiều nhà đầu tư lo ngại, sắc lệnh thuế mới của ông Trump sẽ khiến các nước xuất khẩu thép và nhôm bị ảnh hưởng lớn và sẽ “trả đũa” với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Ông Trump khẳng định: Khi nước Mỹ mất đi hàng tỷ USD trong việc kinh doanh với hầu hết các đối tác, những cuộc chiến thương mại sẽ là điều tốt và có thể dễ dàng dành chiến thắng.

“Chẳng hạn, chúng ta bị thâm hụt 100 tỷ USD trong thương mại với một quốc gia nào đó thì đừng làm ăn với họ nữa, chúng ta sẽ thắng lớn. Quá dễ!", Tổng thống Trump nêu rõ. Ông Trump kỳ vọng việc tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành sản xuất nội địa.

Chính quyền Trump đưa ra lý do an ninh quốc gia cho việc áp đặt thuế quan không phân biệt giữa các nhà cung cấp.

Mexico và Canada là hai nước được miễn trừ chính sách này. Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào sự tiến triển của các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể thảo luận với chính quyền Mỹ về "những cách thức thay thế" nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.

Hiện Canada là quốc gia cung cấp lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 40% lượng nhôm và 16% lượng thép nhập khẩu của nước này. Mặc dù Trung Quốc không chiếm tỷ trọng quá nhiều trong cơ cấu nhập khẩu thép của Mỹ (khoảng 2%) nhưng sự mở rộng ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc đã tạo ra một lượng thép dư thừa lớn, đẩy giá thép toàn cầu xuống thấp.

Biểu đồ lượng thép nhập khẩu vào Mỹ từ các đối tác chính, tính đến tháng 9/2017. (Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ)

Chuyên gia Michael Gapen của hãng tài chính khổng lồ Barclays ước tính, với mức thuế thép và nhôm mới của Tổng thống Donald Trump, có thể kim ngạch xuất khẩu sẽ sụt giảm, tiêu dùng chững lại và giảm mức tăng trưởng GDP từ 0,1-0,2% và đẩy lạm phát lên cao…

Ngoài ra, chuyên gia Michael Gapen còn lo lắng về phản ứng của các đối tác thương mại đối với chính sách thuế của ông Trump. Các quốc gia bị ảnh hưởng có thể sẽ trả đũa bằng các mức thuế riêng của họ dành cho những sản phẩm của Mỹ. Nói cách khác, có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại.

Các nước “trả đũa” thế nào?

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker ngay lập tức đã lên tiếng cảnh báo sẽ có những biện pháp mạnh đáp trả Mỹ để cân bằng thương mại và bảo vệ lợi ích của mình.

Việc áp thuế có thể sẽ kéo theo các hành động pháp lý từ đối tác thương mại của Mỹ

Những sản phẩm đầu tiên của Mỹ đang nằm trong tầm ngắm là rượu Whisky, xe mô-tô Harley Davidson và thương hiệu quần jean nổi tiếng Levi’s.

Ông Jean Claude Juncker nhấn mạnh, Liên minh châu Âu không thể khoanh tay đứng nhìn khi lĩnh vực công nghiệp và việc làm của châu Âu bị đa dọa.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng bày tỏ lo ngại về một cuộc chiến thương mại sẽ chỉ có “những kẻ thua”. Ông Bruno Le Maire cho rằng, những biện pháp đơn phương này là không thể chấp nhận, sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu. Mỹ nên biết rằng, các quyết định đơn phương này một khi được xác nhận, thì sẽ gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu.

Tại Canada - đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Francois-Phillipe Champagne khẳng định, kịch bản Mỹ áp bất kỳ loại thuế hải quan nào đều không thể chấp nhận.

Trung Quốc - nước xuất khẩu thép hàng đầu thế giới - kêu gọi Mỹ kiềm chế sử dụng những biện pháp bảo hộ. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying lên tiếng: Nếu tất cả các quốc gia đều theo gương của Mỹ thì điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới một tác động nghiêm trọng lên trật tự thương mại quốc tế.

Còn hãng chế tạo ô tô hàng đầu Nhật Bản Toyota không loại trừ khả năng tăng giá ô tô bán tại Mỹ nếu nước này tăng thuế thép nhập khẩu.

Chiến tranh thương mại là gì?

Chiến tranh thương mại là khi một quốc gia áp thuế hay những rào cản khác dành cho những sản phẩm nhập khẩu, khiến cho các quốc gia khác trả đũa bằng cách áp dụng những mức thuế hay các biện pháp trừng phạt tương tự.

Theo Manuel Perez-Rocha, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Mỹ, ông Donald Trump đã thật sự "tuyên chiến" bằng cách kêu gọi đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu.

Các đối tác thương mại của Mỹ sẽ vận dụng pháp lý theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và trả đũa đối với những sản phẩm xuất khẩu của Mỹ, chuyên gia Manuel Perez-Rocha cảnh báo./.

Trần Ngọc/VOV.VNTheo WSJ, Fortune

Trần Ngọc/VOV.VNTheo WSJ, Fortune

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/tang-thue-nhap-khau-thep-nhom-co-cuu-duoc-san-xuat-noi-dia-my-737051.vov