Tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người dùng

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Hội nghị cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tổ chức Healbridge Canada tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Ông Nakagawa, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mai Anh

Tại hội nghị, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cho biết: Thuốc lá có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có tới 69 loại hóa chất gây ung thư. Trong khói thuốc có chứa những loại hóa chất vô cùng độc hại mà chúng ta không thể tưởng tượng ra như axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, CO (khí thải ô tô), Toluene (dung môi công nghiệp), Methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)…

Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Hội thảo đã chỉ ra những tác hại nguy hiểm của căn bệnh nghiện thuốc lá, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp trong việc giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, cũng như giảm tỷ lệ ung thư phổi. Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm và con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030 nếu chúng ra không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.

Theo nghiên cứu, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam. Tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1% GDP của năm ước tính – 2011). Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, cuối cùng là tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra.

Tại hội nghị, các diễn giả đến từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cùng các chuyên gia y tế và đại diện Tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá quốc tế đã có những báo cáo tham luận và đưa ra những giải pháp tăng thuế thuốc lá để hạn chế người hút mới, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật dẫn đến tử vong sớm do thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện nay, mức thuế thuốc lá hiện nay của Việt Nam còn rất thấp (khoảng 35,6% giá bán lẻ) so với các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines. Chính vì vậy, việc tăng mạnh thuế thuốc lá có thể tăng doanh thu thuế, đồng thời giảm tiêu dùng thuốc lá. Theo khuyến cáo của WHO, thuế thuốc lá ở Việt Nam nên tiếp tục tăng sao cho thuế chiếm 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ.

Kết thúc hội thảo, Thạc sĩ Đào Thế Sơn (giảng viên trường Đại học Thương Mại) một lần nữa khẳng định, tăng thuế thuốc lá giúp giảm tiêu dùng, nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật, tử vong sớm. Bên cạnh đó, Thạc sĩ Đào Thế Sơn còn cho rằng việc tăng thuế thuốc lá và kiểm soát buôn lậu là hai vấn đề khác nhau và việc tăng thuế sẽ không gây ra tình trạng thất nghiệp.

Mai Anh - Trần Đức

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-thue-thuoc-la-de-giam-ty-le-nguoi-dung/