Tang thương gia đình có 4 trẻ chết đuối: Mẹ vừa xin được việc thì mất con

Nỗi đau mất đi cùng lúc 4 đứa cháu nội ngoại (chỉ từ 5 - 7 tuổi) vì đuối nước khi tắm ao ở xã Khánh Hiệp (Khánh Hòa) dường như quá sức chịu đựng với gia đình ông Y Vư, người Ê Đê.

Ao nước - nơi xảy ra vụ chết đuối thương tâm - Ảnh: Thế Tài

Sáng 18.7, căn nhà sàn của gia đình ông KNai Y Vư ở thôn Ba Cẳng (xã Khánh Hiệp, H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bao trùm bởi không khí tang thương. Thi thể 3 trẻ nhỏ là cháu ngoại ông Y Vư gồm MCăng HRoen (7 tuổi), MCăng Y Phúc Thịnh (5 tuổi) và MCăng Y Khang (7 tuổi) lần lượt nằm cạnh nhau dưới sàn nhà.

Một nạn nhân khác của vụ đuối nước là Chơ Ao Y Huỳnh (5 tuổi, cháu nội ông Y Vư). Bố mẹ Y Huỳnh đã đưa con về nhà riêng, chỉ cách nhà ông nội vài trăm mét để chuẩn bị mai táng.

Không gian tang thương tại nhà ông Y Vư sau vụ 4 đứa trẻ chết đuối - Ảnh: Nguyễn Chung

Anh MCăng Y Lịch - người thân của 4 cháu bé bị nạn kể lại: "Nhà tôi ở bên kia đường, cách nhà ông Y Vư vài nóc nhà. Trưa hôm qua (ngày 17.7 - PV), tôi vừa ăn cơm xong, đang định ra võng nghỉ trưa thì nghe tiếng la hét ở phía bờ ao nhà ông Y Vư. Tôi chạy đến thì thấy Chơ Ao Y Huy (7 tuổi, anh ruột Chơ Ao Y Huỳnh) đang chới với giữa ao. Đưa Y Huy lên bờ, tôi giật mình hỏi: Thế mấy đứa kia đâu?. Y Huy tay chân tím tái, mặt cũng tái nhợt, chỉ tay xuống ao nói: Dưới đó. Lúc này, tôi hô hoán và cùng mọi người xuống ao lặn tìm. Khi tìm thấy, đưa lên bờ thì cả 4 đứa đã chết rồi.

Mấy đứa nhỏ ra đi rồi, đau xót lắm. Nhưng quanh đây trẻ con nhiều lắm. Phải lấp cái ao thôi

Anh Y Lịch

"Bình thường, tụi nhỏ cũng hay ra bờ ao chơi cho mát, nhưng chưa bao giờ xuống tắm. Người lớn trong nhà cũng dặn không được tắm ao. Không hiểu sao hôm đó lại rủ nhau xuống tắm. Tối hôm trước, trời mưa rất to nên nước ao cũng sâu. Chỗ thằng Y Huy nước cạn hơn, nếu không cũng nguy. Lúc xảy ra sự việc thì ông Y Vư đang nấu cơm trong nhà nên không để ý", anh Y Lịch cho biết.

Anh Y Lịch bần thần kể lại vụ việc - Ảnh: Nguyễn Chung

Bên thi thể con, chị MCăng Y Lang (mẹ cháu Y Khang) khóc ngất. Thỉnh thoảng, chị lại lấy khăn lau mặt con trai. Chị Y Lang nói: "Hôm qua, tôi xuống Khu công nghiệp Suối Dầu ở Cam Lâm xin việc tại một công ty chế biến thủy sản. Người ta đồng ý rồi và nói tôi ngày mai bắt đầu làm việc. Tôi mừng lắm, vì mình hộ nghèo, lâu nay chỉ làm thuê nương rẫy cực quá. Tôi chuẩn bị về lại nhà thì nghe tin con chết đuối, 3 đứa cháu cũng chết đuối. Chân tay bủn rủn, người muốn gục ngã".

Ông Võ Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết các nạn nhân đều là người dân tộc Ê Đê, gia đình thuộc hộ nghèo. Hiện chính quyền địa phương cùng với các đoàn thể đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình tổ chức mai táng cho các cháu.

Ao cá nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm đã được tháo nước, san lấp - Ảnh: Nguyễn Chung

Trong sáng 18.7, ao cá - nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm đã được tháo nước, san lấp.

Liên tục nhiều vụ trẻ chết đuối

Trước đó cũng đã xảy ra nhiều vụ chết đuối ở tỉnh Khánh Hòa. Chiều 20.5, 4 học sinh Trường THCS Tô Hiến Thành (xã Ninh Sim, TX.Ninh Hòa) rủ nhau xuống tắm tại một con sông ở địa phương. Trong lúc tắm sông, các em không may bị trượt xuống một hố sâu, sau đó bị nước nhấn chìm. Chiều tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ cùng người dân mới tìm thấy thi thể các nạn nhân.

Hai ngày sau (22.5), một nhóm học sinh rủ nhau tắm suối ở khu vực thôn Phước Sơn (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang). Con suối khá cạn nhưng có nhiều hố sâu và hậu quả là một em nhỏ 10 tuổi tử vong vì đuối nước.

Đến ngày 24.5, thêm một học sinh ở H.Cam Lâm gặp nạn. Ngày 27.5, nhóm học sinh cùng lớp ở Trường Tiểu học Ninh Thượng (xã Ninh Thượng, TX.Ninh Hòa) rủ nhau ra đập Cùng trên địa bàn xã chơi và 2 em chết đuối.

Tăng cường phòng, chống đuối nước

Trước thực trạng nhiều vụ đuối nước xảy ra, cuối tháng 5.2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó, yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng giữ an toàn trong môi trường nước; rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực nguy cơ hoặc thường xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em…

Trước đó, cuối năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành “Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS trong nhà trường”, giai đoạn 2017 - 2020.

Lực lượng chức năng và người dân lặn tìm thi thể các học sinh vụ chết đuối tại TX.Ninh Hòa hồi tháng 5.2019 - Ảnh: Nguyễn Chung

Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết để triển khai đề án nói trên, trong năm 2018 Sở đã lắp đặt và bàn giao đưa vào sử dụng 10 hồ bơi tại các trường học trong tỉnh và đang tiếp tục thực hiện trong năm 2019. Sở cũng liên tục có những văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, các trường học trên địa bàn về tăng cường các giải pháp phòng chống đuối nước cho học sinh.

Đối với các trường chưa nằm trong đề án thí điểm dạy bơi của UBND tỉnh, Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT mạnh dạn chỉ đạo các trường chủ động phối hợp các trung tâm, cơ sở dạy bơi trên địa bàn có đủ điều kiện theo quy định để tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước.

Bà Hoàng Thị Lý cũng cho rằng các địa phương cần tăng cường rà soát, cảnh báo những khu vực nguy hiểm. Cha mẹ học sinh cũng phải quan tâm giám sát các hoạt động vui chơi của con em, nhất là trong dịp hè, để chủ động phòng tránh tai nạn.

Nguyễn Chung

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tang-thuong-gia-dinh-co-4-tre-chet-duoi-me-vua-xin-duoc-viec-thi-mat-con-1104852.html