Tăng tính nghiêm khắc trong xử phạt hành chính

Trong những ngày qua, việc các cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, như: không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ra khỏi nhà không có lý do chính đáng… đã góp phần không nhỏ nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật.

Trên thực tế, hoạt động xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) liên quan rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt và các hành vi vi phạm hành chính đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, làm ảnh hưởng không tốt tình hình an ninh - trật tự, an toàn xã hội. Do đó, công tác XLVPHC nên chăng cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này, nhằm giữ vững trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội, là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội.

Thời gian gần đây tình trạng VPHC diễn ra ngày càng phức tạp trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, xảy ra chủ yếu ở giao thông đường bộ; an toàn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; kinh doanh; đất đai; xây dựng… Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm này chủ yếu là do ý thức tuân thủ, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; người vi phạm không có việc làm ổn định; sự xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận thanh, thiếu niên, cùng với sự tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường hay một số đối tượng vi phạm vì mục đích lợi nhuận. Trong khi đó, Luật XLVPHC còn những quy định chưa phù hợp với thực tiễn; nhiều người vi phạm không có tài sản bảo đảm, không nghề nghiệp; vi phạm trong lĩnh vực giao thông nhiều đã gây ra áp lực về kho bãi tạm giữ, xác minh phương tiện; vi phạm trong xây dựng, trật tự đô thị chưa được xử lý nghiêm minh.

Một trong những yếu tố cần quan tâm nhất hiện nay trong XLVPHC là mức độ răn đe của hình thức xử phạt bằng tiền. Trong một số lĩnh vực, mức phạt tiền áp dụng hiện nay đối với từng hành vi còn chưa tương xứng tính chất, mức độ hậu quả vi phạm, như: lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, khoáng sản... Ngoài ra, hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm nặng hơn hình thức xử phạt phạt tiền, dẫn đến người vi phạm từ bỏ tài sản, không chấp hành quyết định xử phạt. Trong lĩnh vực giao thông, tài nguyên, môi trường, khi áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, cơ quan ra quyết định xử phạt lại không có đủ điều kiện, bến bãi, nhà kho, gây khó khăn trong quá trình áp dụng và thi hành pháp luật.

Để tính răn đe của XLVPHC phát huy hiệu quả, mức tiền phạt cần phải đủ mạnh, đủ lớn, từ đó tác động sâu sắc đến tâm lý của đông đảo cá nhân, tổ chức trong xã hội; cần gây ảnh hưởng cụ thể và tạo được suy nghĩ cho người dân về việc nếu vi phạm hành chính sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, tính răn đe của hình thức phạt tiền chỉ được phát huy mạnh mẽ khi vi phạm được các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh, công bằng. Đây là vấn đề đang tạo ra những lo lắng, thiếu tin tưởng trong người dân đối với công tác và hiệu quả thực chất của các cơ quan chức năng trong XLVPHC. Cùng với đó, việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong XLVPHC, như: buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người… cần được thực hiện nghiêm minh và kiên quyết hơn nữa. Các cơ quan chức năng cần chú trọng kiểm tra, theo dõi thi hành biện pháp khắc phục hậu quả…

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường, kiên quyết hơn nữa công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Nâng cao tính minh bạch, ý thức trách nhiệm, đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình XLVPHC; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ chức năng có sai phạm. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật liên quan bằng các hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Hình thức tuyên truyền cần bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, có trọng tâm...

Đan Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44179402-tang-tinh-nghiem-khac-trong-xu-phat-hanh-chinh.html