Tăng tốc dập ổ dịch nguy hiểm nhất

Chỉ trong vòng hơn một tuần, tính từ ngày phát hiện 26-5 tới ngày 2-6, TP Hồ Chí Minh đã có gần 250 ca dương tính Covid-19 liên quan điểm nhóm thuộc Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Ðáng lưu ý, dịch đã tiến công vào các doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp, nên đòi hỏi cơ quan chức năng dốc sức tổng lực, tăng tốc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khoanh vùng, sớm dập được ổ dịch được coi là nguy hiểm nhất của thành phố.

Nhờ linh hoạt trong kiểm tra giấy tờ và phân luồng giao thông hợp lý, từ sáng 2-6, tình trạng ùn ứ ở 10 trạm kiểm soát cửa ngõ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã được giải quyết.

Nhờ linh hoạt trong kiểm tra giấy tờ và phân luồng giao thông hợp lý, từ sáng 2-6, tình trạng ùn ứ ở 10 trạm kiểm soát cửa ngõ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã được giải quyết.

Chỉ trong vòng hơn một tuần, tính từ ngày phát hiện 26-5 tới ngày 2-6, TP Hồ Chí Minh đã có gần 250 ca dương tính Covid-19 liên quan điểm nhóm thuộc Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Ðáng lưu ý, dịch đã tiến công vào các doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp, nên đòi hỏi cơ quan chức năng dốc sức tổng lực, tăng tốc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, khoanh vùng, sớm dập được ổ dịch được coi là nguy hiểm nhất của thành phố.

"Cho những ngày chiến đấu còn dài..."

Chưa lúc nào ngành y tế TP Hồ Chí Minh phải điều động lượng lớn nhân viên y tế, cả khối điều trị và dự phòng tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 như ở làn sóng dịch lần thứ tư này. Lấy tựa đề bài viết: "Cho những ngày chiến đấu còn dài…", bác sĩ Võ Ðức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, mong muốn dành những lời tri ân, cảm ơn đến các đồng nghiệp, cấp dưới của mình đang ngày đêm làm việc không ngưng nghỉ ở các "chiến địa" phòng, chống dịch của thành phố. Bác sĩ Chiến cho biết, từ khi dịch Covid-19 xâm nhập, bệnh viện đã thành lập 11 nhóm phòng, chống dịch, một nhóm tiếp ứng Bệnh viện dã chiến Củ Chi và một nhóm gác chốt kiểm soát tuyến quốc lộ 50. Và chắc chắn thời gian tới lực lượng này phải tăng cường hơn nữa.

GS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tới ngày 1-6, đã có 20/22 quận, huyện có ca bệnh (trừ quận 11 và huyện Cần Giờ). Các quận này thuộc nhóm địa phương có mật độ dân số cao của TP Hồ Chí Minh, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để. Trước tình hình đó, Sở Y tế thành phố đã huy động lực lượng toàn ngành tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100 nghìn người/ngày (khoảng 20 nghìn mẫu gộp, tức một mẫu có thể xét nghiệm cho 5 hoặc 10 người). "Năng lực hiện có của thành phố được đánh giá là sự lường định trước kịch bản phải lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, với quy mô rất lớn. Theo đó, ngành y tế đã có kế hoạch dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (90 nghìn test PCR và 30 nghìn test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200 nghìn test PCR và 100 nghìn test nhanh)", ông Bỉnh nói.

Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm công nhân của các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao với 280 nghìn công nhân, 3.000 chuyên gia. Tổng tất cả công nhân trong và ngoài KCX-KCN, khu công nghệ cao tại thành phố là 1,6 triệu người, từng bước sẽ quyết tâm lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố. Hiện, ngành y tế thành phố với sự phối hợp các cơ sở y tế trung ương trên địa bàn có thể bảo đảm công suất xét nghiệm 15 nghìn mẫu đơn (xét nghiệm riêng cho từng cá nhân) trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30 nghìn - 40 nghìn mẫu đơn. Thành phố có 22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập, tại mỗi đơn vị đều tổ chức 2-3 đội lấy mẫu với tổng cộng 250 đội. Bên cạnh đó có thể huy động lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa (khoảng 400 người), thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh các ổ dịch.

Chuẩn bị phương án có 5.000 ca bệnh

Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, ngày 1-6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong vòng từ một đến hai tuần, TP Hồ Chí Minh phải triển khai các biện pháp quyết liệt để dập tắt ổ dịch Covid-19 liên quan đến nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp. "Ổ dịch này không kiểm soát được sẽ vỡ trận, gây hậu quả khó lường. Dứt khoát phải kiểm soát bằng được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần đánh giá, kiểm điểm lại tình hình, tại sao thời gian qua cả nước đã chống dịch rất tốt, nhưng đợt này dịch lây lan tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố mạnh mẽ như vậy. Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị và các lực lượng tại khu vực phải nâng cao kiểm soát địa bàn, không được lơ là. Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc quản lý địa bàn tại cơ sở, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là chủ tịch UBND quận, phường.

GS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao, nhất là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy điều hòa trung tâm. "Với đặc điểm chủng vi-rút lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt, thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh, thành phố lân cận. Thí dụ, liên quan chuỗi lây nhiễm tại nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, đã có bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton; một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Concentrix thuộc Công viên phần mềm Quang Trung, Công ty Thiên Tú FN", ông Bỉnh nói.

Ðiều lo ngại bây giờ, các ca bệnh không còn lây theo chuỗi mà theo mô hình chung quanh. Thành phố cũng đã ghi nhận ba ca bệnh làm việc trong ba KCN là: KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Vĩnh Lộc - Hóc Môn. Ngoài ra, có một số người sinh hoạt tại nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong KCN. Ðiều này cho thấy, nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào KCN hoặc ngược lại thông qua người lao động là rất lớn. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các KCN là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.

Trước tình trạng cấp bách, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phương án có 5.000 ca bệnh trên địa bàn. Hiện tại thành phố đã có sẵn hơn 1.900 giường bệnh, trong đó có 200 giường hồi sức với máy thở, hệ thống ECMO (hệ thống "oxy hóa qua màng ngoài cơ thể") tại các bệnh viện tuyến cuối - mỗi bệnh viện tuyến cuối có hai hệ thống ECMO. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố sẽ chủ động tìm nguồn tài chính ngoài nguồn lực từ trung ương hỗ trợ để tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân thành phố. Toàn thành phố hiện có hơn 7,2 triệu người trên 18 tuổi, trong khi dự kiến nguồn vắc-xin được trung ương điều phối chỉ có thể tiêm ngừa tổng cộng 1,6 triệu người. Do đó, TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ cho phép thành phố chủ động vắc-xin để kịp thời chủng ngừa toàn bộ 7,2 triệu người trên 18 tuổi, qua đó giúp bảo đảm chiến thuật 5K + Vắc-xin + Truyền thông hỗ trợ.

TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 được các chuyên gia đánh giá ứng phó kịp thời để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, thành phố cần phải thực hiện giải pháp cách ly xã hội mạnh hơn, phạm vi rộng hơn. Thành phố cần chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó trong tình huống dịch bệnh xấu nhất có thể xảy ra, đồng thời tăng cường tìm các nguồn vắc-xin để tiêm phòng cho lực lượng tuyến đầu, công nhân và người dân.

LÊ NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/tang-toc-dap-o-dich-nguy-hiem-nhat-649381/