Tăng tốc để bắt kịp 4.0

Tại diễn đàn 'Công nghiệp 4.0: Ứng dụng để tăng tốc' do Hội nữ doanh nhân TPHCM tổ chức hôm qua 3-10, các chủ doanh nghiệp và chuyên gia đã bàn thảo về việc làm sao từng bước ứng dụng công nghệ số vào DN một cách hiệu quả nhất.

Lợi ích từ chuyển đổi số

Bà Tô Hồng Trang, Phó Tổng giám đốc CTCP Thế giới Số (Digiworld), chia sẻ hơn 10 năm trước Digiworld đã ứng dụng ERP (phần mềm quản lý tổng thể DN) trong quản lý, nhưng vì là phần mềm của Việt Nam nên bộc lộ nhiều hạn chế, không còn đáp ứng được yêu cầu. Năm 2007, lãnh đạo công ty đã quyết định chọn SAP-ERP, phần mềm quản lý của Đức.

“Đưa phần mềm này vào sử dụng, chi phí bảo trì, nâng cấp 20% mỗi năm, nghĩa là cứ khoảng 5 năm DN phải đầu tư lại. Nhưng lợi ích DN nhận được cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn, trong quản lý dòng tiền, trước đây trong mỗi cuộc họp các phòng ban đưa ra số liệu chưa khớp nhau, ban lãnh đạo phải mất thời gian xem lại con số nào đúng, số nào có sai sót. Nay với SAP-ERP chỉ có con số duy nhất, giúp người lãnh đạo biết rõ các con số thực trong hệ thống của mình” - bà Trang nhấn mạnh.

Đặc biệt với các DN bán lẻ thì ứng dụng này làm rất tốt khâu quản lý rủi ro sản phẩm cũng như chăm sóc khách hàng tốt nhất. Và khi ứng dụng số hóa vào hoạt động của DN thì số nhân viên sẽ ngày càng giảm dần trong khi doanh thu của DN ngày một lớn hơn nhiều lần.

Cũng là DN đang ứng dụng phần mềm quản lý này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Thái Bình Shoes (TBS), cho biết cách đây 5 năm ông đã nghĩ đến các giải pháp cho DN mình, đặc biệt là ứng dụng phần mềm tích hợp trong dây chuyền sản xuất giày.

Theo ông Thuấn, khi nói đến cách mạng CN 4.0 hãy nghĩ đến 4 nền tảng: đường truyền kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Theo đó, điều cần thiết của DN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là xây dựng hệ thống dữ liệu lớn. Phải có dữ liệu mới tạo được ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

Trước câu hỏi trong ngành sản xuất lớn như da giày của TBS, hệ thống dữ liệu ở đây là xây dựng những gì. Ông Thuấn cho biết trong 11 phân hệ của SAP-ERP mà TBS đang áp dụng có phân hệ quản lý dữ liệu nguyên liệu và nhân công. Tất cả dữ liệu này luôn được hệ thống để đảm bảo giá thành sản xuất tốt nhất.

“Chính phủ đang đặt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Nhưng là có bao nhiêu DN hiểu và thay đổi trong quá trình vận hành. Chúng ta đã đi sau thế giới quá xa, các DN nên sẵn sàng cho cuộc cách mạng này, đó là con đường phải đi” - ông Thuấn chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Thay đổi tư duy người lãnh đạoTheo số liệu mới nhất từ Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo đến năm 2020, 30% doanh thu của DN sẽ đến từ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. DN nào nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số khả năng thắng sẽ rất cao. Thực tế là như vậy, nhưng theo chia sẻ của bà Tô Hồng Trang, chi phí Digiworld đầu tư cho SAP-ERP rất cao. Vì thế, để thực hiện việc này DN, nhất là DNNVV, cần lập kế hoạch cho chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số hướng đến mục tiêu gì. Tùy vào tài chính của từng DN để có thể xây dựng lộ trình cho chuyển đổi số, như ứng dụng ở mức độ nào, vào quản trị vấn đề gì.

Thí dụ, có DN ứng dụng phần mềm quản lý cho nhân sự, có DN ứng dụng vào chăm sóc khách hàng… Tuy nhiên dù làm từng phần hay làm tổng thể, khi chuyển đổi số, đứng trước những đổi thay của cuộc cách mạng CN 4.0, việc thay đổi tư duy người lãnh đạo rất quan trọng.

“Ban lãnh đạo - những người dẫn dắt DN có sẵn sàng cho sự thay đổi hay không. Khi chúng ta đã sẵn sàng mới có thể tiếp tục truyền cảm hứng cho nhân viên để họ cùng hành động với mình” - bà Trang nói thêm.

Dưới góc nhìn thực tế từ DN mình, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng công nghệ cũng chỉ là công cụ. Quan trọng nhất là xây dựng được văn hóa chuyển đổi số trong cán bộ, nhân viên của DN. Hiện PNJ đang xây dựng hệ thống dữ liệu đo lường sự hài lòng của khách hàng.

Ở mỗi điểm bán đều trang bị Ipad có lập trình sẵn 1 app để khách hàng chia sẻ thông tin. Nhưng chìa khóa thành công nằm ở đội ngũ nhân viên, tức họ cảm thấy đây là việc làm quan trọng, từ đó chủ động tiếp cận khách hàng, làm cho khách vui vẻ và cảm thấy được tôn trọng khi trả lời. PNJ chưa chạm tới 4.0 nhưng đang chắt lọc công nghệ để ứng dụng hướng tới 4.0.

Nhiều diễn giả tham gia diễn đàn cho rằng rào cản lớn nhất không nằm ở chi phí mà ở cách nhìn. Chấp nhận thay đổi để bắt kịp xu thế hoặc bị bỏ lại phía sau là quyết định của chính lãnh đạo DN. Điều quan trọng nữa là DN khi ứng dụng công nghệ cũng cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý, kinh doanh cho phù hợp mới mang lại hiệu quả.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/tang-toc-de-bat-kip-40-61924.html