Tăng tốc phát hiện các ca nhiễm lao trong đại dịch COVID-19

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới đã giảm 25%, tại Việt Nam tỷ lệ này cũng đã giảm.

Điều này làm dấy lên những lo ngại về những ca bệnh lao tiểm ẩn chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy rằng tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ phát hiện ca bệnh trên thế giới đang giảm tới 25%. Tổng số ca tử vong lao, HIV, sốt rét trên toàn thế giới ước tính là 2,4 triệu người, riêng tử vong vì lao đã chiếm 1,5 triệu ca. Nguyên nhân được cho rằng vì việc giãn cách xã hội nên nhiều người mắc bệnh lao không tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ, dẫn tới tử vong. Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020. Con số này tương ứng với mức tử vong toàn cầu do lao vào năm 2015, một bước lùi nghiêm trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu của Chiến lược thanh toán bệnh lao của WHO.

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Trần Minh

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Trần Minh

Hiện Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình Chống lao Quốc gia đã đề ra là hơn 90%.

Để hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần tăng tốc phát hiện các ca bệnh nhiễm lao mới trong đại dịch COVID-19. Trong đó cần nâng cao kiến thức về bệnh lao và ý thức phòng bệnh của người dân là rất quan trọng.

Do lao là bệnh lý truyền nhiễm nên dễ lây lan thành diện rộng, khó kiểm soát sự lây lan, thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần. Các vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và phát triển thành bệnh, làm tổn thương phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm cho người bệnh nếu cứ kéo dài và không được điều trị đúng cách. Người mắc bệnh lao nếu giấu bệnh sẽ dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh cho những người xung quanh và cộng đồng. Vì vậy để điều trị khỏi bệnh lao và kiểm soát bệnh, cách tốt nhất là người bệnh lao không giấu bệnh, đồng thời phải đi khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ. Cách tốt nhất để phòng bệnh lao là tiêm vắc-xin ngay từ tháng đầu tiên chào đời. Khi có những dấu hiệu bất thường dưới đây thì nên nghĩ đến bệnh lao và đi khám sớm:

Ho: Đây là triệu chứng của bệnh phổi cấp và mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, giãn phế quản, lao… Trong trường hợp ho trên 3 tuần cũng như dùng thuốc kháng sinh mà không thuyên giảm thì nguy cơ mắc bệnh lao phổi là rất lớn.

Khạc ra đờm: Khạc đờm là triệu chứng bệnh lao phổi thường gặp. Nguyên nhân do tình trạng tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phế quản phổi.

Ho ra máu: là triệu chứng bệnh lao phổi có thể gặp ở 60% người mắc bệnh, xuất hiện khi có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp.

Đau ngực, khó thở: đau ngực là một trong những triệu chứng bệnh lao phổi dễ nhận thấy ở bệnh nhân. Ho nhiều sẽ gây ức chế lên phế quản, dẫn đến tình trạng khó thở, đau ngực.

Gầy sụt cân: là triệu chứng thường gặp ở số đông người bệnh lao phổi. Những người gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS... nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên thì phải đi khám ngay.

Sốt về chiều: Triệu chứng sốt cao, sốt thất thường và đặc biệt là sốt nhẹ kèm hiện tượng gai lạnh về chiều là dấu hiệu cần nghĩ tới khả năng đã mắc bệnh lao.

Đổ mồ hôi: Bệnh lao phổi khiến đổ mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm nhiều về ban đêm.

Cơ thể mệt mỏi: Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công và khi nhiễm vi trùng lao cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí tình trạng mệt mỏi do mắc lao càng nặng nề hơn. Mặt khác, do tác động tâm lý, stress gây nên các ức chế khiến người mắc bệnh lao càng thêm mệt mỏi.

BS. Đức Vĩnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-toc-phat-hien-cac-ca-nhiem-lao-trong-dai-dich-covid-19-n187332.html