Tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Sau cổ phần hóa (CPH), doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển; quản trị doanh nghiệp (DN) cũng có tiến bộ song tiến độ CPH, thoái vốn Nhà nước tại DNNN đang chậm lại, chưa đạt kế hoạch…

Đây là những thông tin đáng chú ý tại Hội nghị trực tuyến thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” (gọi tắt là Nghị quyết 12) do Đảng ủy khối DN Trung ương tổ chức ngày 9-9, tại Hà Nội.

Doanh nghiệp Nhà nước tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển

Chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn câu chuyện làm đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai-là dự án của Nhà nước, do DNNN đầu tư, vay vốn thực hiện. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, từ khi có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, các vấn đề an sinh xã hội và kinh tế khu vực Tây Bắc có nhiều cải thiện. Vai trò của các DNNN, như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam... đã tiên phong phát triển hạ tầng số hiện nay để bảo đảm an ninh, quốc phòng, tạo nền tảng số cho các thành phần kinh tế khác phát triển.

Nghị quyết 12 là nghị quyết lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với quá trình đổi mới DNNN đến năm 2030; xác định DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng; những vấn đề quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư… "Kinh tế nhà nước là chủ đạo, trong đó DNNN là một bộ phận then chốt; dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế khác", đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: MINH ĐỨC.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: MINH ĐỨC.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận cho rằng, cần đánh giá khách quan hơn đối với DNNN. Việc đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của DNNN cũng cần theo các giai đoạn lịch sử.

Tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn chậm

Lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cho rằng, sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12, đến nay cơ chế, chính sách về CPH DNNN đã được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH. Nhiều DNNN sau khi được CPH, thoái vốn tiếp tục tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, DNNN cũng đang gặp phải khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 12. Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phạm Xuân Cảnh cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 12 của các cơ quan liên quan còn chậm trễ khiến DNNN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví như Luật Dầu khí hiện tại đã không còn phù hợp, gây khó khăn cho PVN trong khiển khai các dự án lớn, nhất là huy động vốn và sử dụng nguồn lực. Vì thế, cần sớm rà soát, tháo gỡ đồng bộ các vấn đề cho DNNN.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tốc độ CPH, thoái vốn tại các DNNN đang có xu hướng chậm lại, chưa đúng theo kế hoạch. Về CPH DNNN, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg (ngày 28-12-2016) về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020; trong đó Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 DN hoạt động trong 11 lĩnh vực. Sau quá trình CPH, tái cơ cấu DNNN, tính hết quý II-2019 mới có 35/127 DNNN trong danh mục được duyệt đã thực hiện CPH, đạt tỷ lệ 27,5%. Về thoái vốn, theo kế hoạch trong giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại DN. Trong giai đoạn từ 2016 tới tháng 11-2018, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này, một phần là do vướng mắc ở các quy định pháp lý, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Tránh thất thoát tài sản nhà nước từ việc định giá doanh nghiệp

Đề cập tới các giải pháp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thời gian tới cần tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá và hoàn thiện đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đổi mới nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của DN sau CPH….

Mới đây, tại Diễn đàn Tái cơ cấu DNNN do Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) phối hợp với một số đơn vị tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của CPH DNNN chính là việc xác định giá trị DN. Giá bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu, giá trị truyền thống của DN CPH. Cùng với đó, tỷ lệ vốn Nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH.

Để bảo đảm quá trình CPH không chậm như lâu nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất: Cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của bộ, ngành, các bên liên quan trong CPH, thoái vốn, để tránh tư tưởng đùn đẩy, né trách nhiệm. Trong quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn; có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt. Như vậy, quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN mới thực sự trở thành công cụ hiệu quả, giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn theo đúng chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-toc-tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-590688