Tăng tốc thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang được nhà thầu tích cực triển khai, trong đó có 3 hầm xuyên núi trên tuyến được xác định là đường găng tiến độ của dự án và được tập trung nhiều máy móc thiết bị cũng như nhân lực thi công…

Ngày 7/6, đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, đến nay, nhà thầu đã tập trung nguồn lực, triển khai 39 mũi thi công với hơn 1.000 nhân sự, 440 máy móc, thiết bị. 3 hạng mục hầm hiện đang đồng thời tiến hành các công đoạn đào mái cơ, dọn dẹp phát quang mặt bằng, làm đường lên rãnh đỉnh cửa hầm, làm trạm trộn bê tông, trạm nghiền…

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, liên doanh các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Hiện đơn vị đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục hầm 1 và hầm 2. Việc sớm mở cửa hầm 1 và 2 sẽ đáp ứng sớm nguồn đá tận dụng từ đào hầm, hạn chế tối đa mua đá thương mại, tiết giảm chi phí. Đồng thời, sớm thông hầm để tận dụng điều chuyển nguyên, vật liệu điều phối dọc tuyến được dễ dàng hơn, đặc biệt là rút ngắn đường tiếp cận hầm số 3.

Với đặc thù thời tiết tại miền Trung, nhà thầu đã chủ động có kế hoạch thi công, tranh thủ từng ngày, từng giờ, kể cả làm việc xuyên lễ khi thời tiết thuận lợi để đảm bảo tiến độ, đề phòng mùa mưa bão đang tới gần.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà thầu thi công cho biết, theo hồ sơ thiết kế, để thi công phía Nam hầm 2 và phía Bắc hầm 3 (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Quảng Ngãi) buộc phải mở tuyến đường công vụ dài 4,5km từ hồ Huân Phong (thị xã Đức Phổ) đi qua diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng khoảng 40.000m2.

Chuẩn bị điểm thi công tại hầm số 2, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực địa, nhà thầu nhận thấy có thể mở rộng tuyến đường dân sinh hiện hữu (rộng khoảng 4-6m, đang dùng vận chuyển lâm sản) để làm đường công vụ, phương án này giảm tối đa diện tích rừng phải giải phóng mặt bằng và rút ngắn tuyến đường công vụ còn 3,6km.

Trước khi thực hiện việc mở rộng đường dân sinh nêu trên, nhà thầu đã kiểm tra và thấy rằng, tuyến đường này nằm hoàn toàn trong phần đất trồng rừng sản xuất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thị xã Đức Phổ cấp cho các hộ dân. Do đó, nhà thầu đã thuê đất và mở rộng tuyến đường dân sinh hiện hữu để làm đường công vụ thi công hầm.

Theo ông Đông, trên cơ sở giới thiệu của chủ đất và người dân, kết hợp việc khảo sát thực địa thì tuyến đường này nằm hoàn toàn trong phần đất trồng rừng sản xuất nên đã ký hợp đồng thuê đất và mượn tuyến đường dân sinh hiện hữu để san gạt mặt đường, cải tạo khúc cua làm đường công vụ tiếp cận thi công và có xác nhận của UBND xã Phổ Khánh.

Triển khai thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua huyện Mộ Đức.

“Cụ thể, nhà thầu đã thuê đất của chủ đất là ông Nguyễn Văn Bon cùng một số hộ dân khác. Đồng thời, quá trình triển khai thi công, nhà thầu không nhận được bất kỳ thông tin tuyên truyền, cảnh báo, thông báo nào từ chính quyền địa phương về việc diện tích rừng thuê thuộc Dự án KFW6 (do Đức tài trợ)”, ông Đông nói.

Còn theo đại diện Ban điều hành dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (thuộc Ban QLDA 2 – Bộ GTVT là đại diện Chủ đầu tư), trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tuyến đường công vụ nhà thầu sử dụng đã được tư vấn đưa ra sơ bộ trong biện pháp thi công nhằm phục vụ thi công cửa hầm phía Bắc hầm số 3 và phía Nam hầm số 2.

Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, theo trách nhiệm được giao, nhà thầu phải khảo sát và thiết kế, mượn/thuê đất của người dân, địa phương hoặc các đơn vị quản lý liên quan kèm theo cam kết hoàn trả sau khi hoàn thành dự án.

Tuyến đường công vụ mà nhà thầu đã mở sau khi thuê đất rừng sản xuất của người dân để mở đường, rút ngắn khoảng cách xuống còn 3,6km thay vì gần 5km nếu phải làm mới.

“Quá trình triển khai thi công, có thể một vài vị trí cần phải cải tuyến để việc đi lại được thuận tiện hơn. Nhà thầu phối hợp địa phương để xác minh làm rõ nguồn gốc đất thuê này”, vị này nêu quan điểm.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, đối với vị trí rừng Tập đoàn Đèo Cả thi công đường công vụ phục vụ xây hầm của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khiến dư luận ồn ào những ngày qua, chiếu theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân do UBND Huyện Đức Phổ (nay là TX Đức Phổ) cấp ghi rõ: Mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất và ký hiệu thửa đất được trích lục trên bản đồ là RSM.

“Như vậy, về mặt pháp luật đây là đất rừng sản xuất và chủ đất là hộ gia đình, cá nhân nên nhà thầu được phép thuê để mở đường hoặc thực hiện một số nhiệm vụ khác và sau khi hoàn thành sẽ hoàn trả đất lại cho chủ đất theo quan hệ dân sự thông thường. Trong trường hợp này, Luật Đất đai và quy định của dự án không có hạng mục đền bù, GPMB thi công đường công vụ nên nhà thầu thuê đất của người dân để mở đường là điều bình thường”, đại diện Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết.

Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, chiều dài 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km, dự kiến hoàn thành vào quý III/2026. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư./.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương, chiến lược phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông

Theo chương trình tại kỳ họp thứ 5, từ 15h chiều nay (7/6), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao toàn diện mọi mặt công tác của ngành giao thông vận tải, cảm ơn các đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã luôn đồng hành ủng hộ, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp quý báu, sâu sắc đối với ngành GTVT.

"Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ GTVT luôn lắng nghe tiếp thu đầy đủ các ý kiến và quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước trong phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông, nhằm kịp thời hoàn thành các công trình giao thông chiến lược hiện đại, an toàn để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, đóng góp hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu.

Cũng theo người đứng đầu ngành GTVT, trong bối cảnh kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn thách thức, được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, sự đồng hành của đồng bào cử tri cả nước, toàn ngành giao thông đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành còn những tồn tại, hạn chế cần quyết liệt xử lý như tai nạn giao thông, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch, cấp, quản lý, thu hồi giấy phép…

Bộ trưởng cho biết, những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là động lực để Bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tang-toc-thi-cong-cao-toc-bac-nam-doan-quang-ngai-hoai-nhon-post1025078.vov