Tăng tốc ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xuất hiện với tần suất cao cho thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, các chuyên gia về khí hậu kêu gọi các quốc gia cần nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

BĐKH đang là vấn đề nóng được được các nước trên thế giới quan tâm sâu sắc. Thực trạng BĐKH hiện nay rất đáng lo ngại do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu-một trong những thủ phạm chính gây ra BĐKH không có dấu hiệu sụt giảm. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia trên hành tinh.

Trước tình hình trên, cũng như các châu lục khác, châu Âu đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng lượng khí thải tăng nhanh. Ngày 31-10, Cơ quan Môi trường châu Âu đã công bố báo cáo cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần tới lộ trình cần thiết để hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải, để mức khí thải năm 2030 thấp hơn 40% so với mức khí thải vào 1990. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng các quốc gia thành viên EU phải tăng cường nỗ lực trong thập kỷ tới để đảm bảo đạt được mục tiêu năm 2030. Đặc biệt, EU cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà và các hộ gia đình, cũng như trong lĩnh vực giao thông.

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Nguồn: Getty Images.

Trong khi đó, các chuyên gia về khí hậu cho biết, các thành phố châu Á đang chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện trong một nỗ lực chống lại tình trạng chất lượng không khí xấu đi, cũng như cắt giảm khí thải gây BĐKH. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giao thông là nguồn thải khí gây hiệu ứng nhà kính gia tăng nhanh nhất, trong đó phần lớn mức tăng thải khí vào năm 2030 được cho là đến từ khu vực châu Á đang phát triển.

Theo tờ Dailymail, trong báo cáo mới nhất do Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) công bố, BĐKH sẽ gây ra thiệt hại chưa từng có tiền lệ với các đại dương và gây ảnh hưởng tới hàng triệu người nếu khí thải không được kiểm soát. Theo đó, tới năm 2050, hàng trăm triệu người khắp thế giới đang sống trong các khu vực duyên hải có địa hình thấp sẽ bị ảnh hưởng khi nước biển dâng cao, sẽ hứng chịu nhiều bão lũ nghiêm trọng hơn. Nhiều người sống ở khu vực núi cao cũng bị ảnh hưởng bởi các mối nguy do sông băng và băng tan gây ra. Những người sống ở hạ nguồn sẽ bị tác động bởi những thay đổi diễn ra ở thượng nguồn, ví dụ như nguồn nước và an ninh lương thực bị ảnh hưởng. Các tác giả báo cáo nói trên cho rằng cần hành động khẩn cấp để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, từ đó hạn chế thiệt hại với các đại dương và khu vực đóng băng cũng như loài người và thiên nhiên hoang dã.

Còn theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu sinh vật biển của Đại học Hawaii, đến cuối thế kỷ 21 này, nhiều nơi trên thế giới có thể phải hứng chịu cùng lúc một loạt thảm họa thiên tai, từ những đợt nắng nóng, cháy rừng tới những cơn mưa to và những trận bão lớn. Nguyên nhân chính là do các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính tràn ngập trong không khí, kích thích sản sinh ra các tác nhân đe dọa sự sống. Các kết quả nghiên cứu trên đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về hậu quả tiêu cực của tình trạng BĐKH.

Chống BĐKH đang trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh lượng khí thải vào khí quyển tiếp tục tăng lên, gây ra nhiều đợt sóng nhiệt cũng như bão lũ nghiêm trọng trong những năm gần đây. Tác động của tình trạng BĐKH gây ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, trong cuộc chiến chống BĐKH, các quốc gia trên thế giới cần đẩy nhanh hơn nữa những hành động thiết thực để cắt giảm lượng khí phát thải.

DƯƠNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tang-toc-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-598841