Tăng trách nhiệm giải trình trước Quốc hội

'Quốc hội cần phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, đối thoại để tăng cường trách nhiệm giải trình, giải quyết đến cùng các vấn đề trong các hoạt động của Quốc hội', Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trò chuyện với Tiền Phong sau khi tiếp tục trúng cử làm đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu thảo luận tại Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Theo bà, trong nhiệm kỳ mới, Quốc hội nên có sự đổi mới theo hướng nào để đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của cử tri?

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chưa bắt đầu nhưng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Quốc hội, sự đóng góp chân thành và đánh giá thẳng thắn của cử tri, của các đại biểu Quốc hội, cho thấy Quốc hội khóa XV sẽ có nhiều đổi mới mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Cá nhân tôi và nhiều cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào Quốc hội khóa mới.

Theo tôi, Quốc hội nên đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, sâu sát thực tế và tăng cường công khai, minh bạch hơn, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội; mở rộng hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với các hoạt động của Quốc hội. Quốc hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện tốt các quyền của cơ quan, tổ chức, người dân, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các đạo luật.

Quốc hội cũng cần phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, đối thoại để tăng cường trách nhiệm giải trình, giải quyết đến cùng các vấn đề trong hoạt động của Quốc hội. Quốc hội cần phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình.

Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để tránh oan, sai

Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, nhiều lần vấn đề giải quyết tình trạng oan, sai trong hoạt động tư pháp được đặt ra. Tỷ lệ oan, sai mặc dù rất nhỏ nhưng tác động rất lớn đến quyền của con người, đến sự thượng tôn pháp luật. Bà có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này?

Có thể nói phòng, chống oan, sai là một chủ trương quan trọng, đúng đắn và nhất quán của Đảng ta đặt ra cho công tác tư pháp. Phòng, chống oan, sai luôn được đặt ra đồng thời với yêu cầu phòng, chống tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong công tác này, nhưng thời gian qua đã xảy ra một số vụ án oan mặc dù không nhiều nhưng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các cơ quan tiến hành tố tụng cần quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội. Bên cạnh việc không để bỏ lọt tội phạm, cần coi trọng việc không làm oan người vô tội.

Nguyên nhân của tình trạng này là trong một số trường hợp pháp luật không quy định chế tài, hậu quả pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật tố tụng, nên một số người tiến hành tố tụng có thể làm ẩu, cẩu thả, sai quy định mà không bị xử lý. Mặt khác, việc tham gia của người bào chữa ngay từ những hoạt động tố tụng đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án chưa được coi trọng; có trường hợp người bị tạm giữ còn không biết mình có quyền có người bào chữa từ giai đoạn này (theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).

Ngoài ra, tình trạng nôn nóng phá án để lập thành tích cũng dễ dẫn đến oan, sai. Việc lạm dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ trong một số trường hợp cũng tạo điều kiện để oan, sai có thể xảy ra. Cá biệt có trường hợp bị bức cung, dùng nhục hình. Vì vậy tôi đề nghị trong thời gian tới cần có các giải pháp để xử lý tình trạng này.

Cụ thể, cần tạo điều kiện để người bào chữa được tham gia tố tụng ngay từ khi có quyết định tạm giữ, chỉ áp dụng biện pháp tạm giam khi có những căn cứ xác đáng theo quy định của luật. Thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. Có các biện pháp hữu hiệu để chống bức cung, dùng nhục hình. Nghiên cứu tổ chức mô hình nhà tạm giữ, trại tạm giam độc lập với cơ quan điều tra để bảo đảm sự minh bạch, khách quan hơn trong công tác điều tra.

Thực tế cho thấy, các vụ oan, sai thường được phát hiện rất muộn, gây bức xúc dư luận. Bà có thể cho biết nguyên nhân và làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Đúng là trên thực tế có nhiều vụ án oan thường được phát hiện rất muộn. Có thể kể ra như: Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang (10 năm), ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang (11 năm), ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận (17 năm)… Một điểm chung ở các vụ án này là án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Các vụ án này khi được coi là trọng án thì đứng trước sức ép của dư luận phải phá án nhanh, nhưng vẫn phải bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong kiểm tra, đánh giá chứng cứ.

Các cơ quan này về mặt chủ quan đã tin tưởng không có oan, sai mà không thực hiện đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, không chú trọng đến lời kêu cứu của người bị kết án và gia đình. Chỉ đến khi người bị coi là đã chết trở về, hung thủ đích thực tự thú…mới được xác định bị oan, mà quá trình này thường trải qua thời gian rất lâu mới được phát hiện. Đây là một bài học lớn cho các cơ quan tư pháp trong việc thực thi công lý.

Về giải pháp để khắc phục hậu quả, tôi cho rằng, ngay khi xác định người đó bị oan cần khởi động ngay quy trình sửa sai, khắc phục hậu quả càng nhanh càng tốt. Đối với người bị oan trong tố tụng hình sự, phải thực hiện ngay quy trình bồi thường Nhà nước, trong đó có việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai, chi trả tiền bồi thường đối với người bị oan. Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của người tiến hành tố tụng gây nên tình trạng oan để góp phần hạn chế những vụ án oan, sai có thể xảy ra sau này.

Cảm ơn bà.

Bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được cử tri tín nhiệm bầu trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV?

Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Là một đại biểu Quốc hội khóa XIV được các cơ quan có thẩm quyền giới thiệu tái cử, tôi hiểu rằng đây là một sự ghi nhận, ủng hộ và tin tưởng của cử tri nơi công tác, nơi cư trú và cử tri tỉnh Nam Định đối với cá nhân tôi.

Đặc biệt, đối với một đại biểu Quốc hội chuyên trách, được cử tri tiếp tục tín nhiệm là điều có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến, đem hết khả năng và nhiệt huyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu Quốc hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và của tỉnh Nam Định. Vì vậy, tôi rất biết ơn cử tri về sự tín nhiệm này.

Bà hứa gì với cử tri khi tiếp tục được tín nhiệm bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Tôi đã hứa sẽ thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội; đi sâu, đi sát hơn nữa, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thể hiện ý chí, nguyện vọng mà cử tri đã tin tưởng giao cho để giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ của Quốc hội liên quan đến quyền và nghĩa vụ chính đáng của người dân. Trong đó chú trọng hơn những vấn đề như phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống đại dịch COVID-19, việc sửa đổi Luật Đất đai, chính sách đối với cán bộ cơ sở…

Tôi cũng đã hứa sẽ lắng nghe một cách chân thành, đầy đủ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước để thực hiện quyền giám sát, quyền chất vấn và tham gia vào quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi cũng đã hứa sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, chủ trương tạo những điều kiện để tỉnh Nam Định hoàn thành sớm những mục tiêu phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ. Đây là những điều mà tôi tâm huyết và mong muốn được làm tốt hơn trong nhiệm kỳ tới.

LUÂN DŨNG (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tang-trach-nhiem-giai-trinh-truoc-quoc-hoi-post1345765.tpo