Tăng trưởng ấn tượng của hàng không Việt sau Tết

Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt rất cao với 95,3% trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới.

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 1/2023.Theo đó, một dấu hiệu đáng mừng trong khai thác của toàn ngành là tỉ lệ đúng giờ chung ở mức cao, đạt 95,3% chỉ giảm 0,9 điểm so với tháng trước (tháng 12/2022), trong khi số chuyến bay khai thác tăng 15,6%.

Trong tháng 1/2023 (từ ngày 19/12/2022 đến 18/1/2023) các hãng hàng không đã khai thác 29.416 chuyến bay; trong đó Vietnam Airlines khai thác 10.846 chuyến; Vietjet Air khai thác 10.693 chuyến; BambooAir khai thác 4.900 chuyến; Pacific Airlines khai thác 1.912 chuyến; Vasco khai thác 579 chuyến và Vietravel Airlines khai thác 486 chuyến.

Tỷ lệ bay đúng giờ của ngành hàng không Việt Nam tháng 1/2023

Tỷ lệ bay đúng giờ của ngành hàng không Việt Nam tháng 1/2023

Theo đó, Bamboo Airways là hãng có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) đạt 96,4%, cao nhất toàn ngành.

Ngoài Bamboo Airways, hai hãng bay còn lại trong top 3 hãng bay nội địa lớn nhất cũng ghi nhận tỷlệ bay đúng giờ tăng so với tháng trước, trong đó OTP của Vietnam Airlines đạt 95,9%, Vietjet đạt 95%.

Có tỷ lệ thấp hấp hơn là Pacific Airlines, với 93,6% chuyến bay đúng giờ, Vietravel Airlines là 93%. Chỉ số OTP của Vasco thấp nhất với 86,9%.

Cũng theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tại các cảng hàng không, sân bay, lượng hành khách đi lại liên tục gia tăng trong dịp cao điểm Tết Quý Mão 2023.

Trong 7 ngày Tết Quý Mão 2023, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 13 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 39%; hơn 1,9 triệu hành khách, tăng 58%; hơn 7,6 nghìn tấn hàng hóa, giảm 11,6% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 967 nghìn hành khách và 1.550 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 60,7% về hành khách và 28,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, lượng khách nội địa và quốc tế có sự tăng trưởng hơn với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự đi lại của người dân về quê đón Tết.

Tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, tổng số chuyến bay khai thác là 20.975 chuyến (tăng khoảng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022) và 3.147.014 hành khách (tăng hơn 61% so với năm 2022).

Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tính từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão, số lượng cất hạ cánh tại sân bay đạt 5.618 lượt chuyến (tăng 49% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần). Sản lượng hành khách đạt gần 900.000 lượt khách (tăng 71% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần).

Kết quả trên cho thấy tín hiệu phục hồi và tăng trưởng ấn tượng của hàng không Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

Dự báo lưu lượng hành khách vẫn sẽ duy trì ở mức cao từ này đến hết 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), do đó, các hãng hàng không khuyến nghị hành khách tiếp tục làm thủ tục trực tuyến, chủ động lên sân bay sớm trước giờ khởi hành 2 tiếng với chuyến bay nội địa, 3 tiếng với chuyến bay quốc tế để làm các thủ tục.

Đánh giá chung về tình hình vận tải dịp Tết 2023, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải; trong đó có hàng không được nâng cao, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện để đi lại.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 dự kiến đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% và 15% so với năm 2022. So với trước dịch (năm 2019), thị trường năm 2023 tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.

Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019; 230 nghìn tấn hàng hóa, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019;

Vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu khách, bằng 3 lần so năm 2022 và 83,5% so với năm 2019; 1,23 triệu tấn hàng hóa, tăng 10% so với năm 2022 và bằng 22,4% so với năm 2019.

Triển vọng năm 2024, tổng thị trường vận tải hàng không sẽ phục hồi mức trước đại dịch và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thu được lợi nhuận đáng kể để đầu tư phát triển, nếu các điểm nghẽn hạ tầng hàng không được giải quyết kịp thời, đặc biệt là ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tang-truong-an-tuong-cua-hang-khong-viet-sau-tet-1090624.html