Tăng trưởng công nghiệp toàn ngành đạt mức cao, IIP 10 tháng đạt 10,4%

Bộ Công thương cho biết Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) trong các quý từ đầu năm đến nay liên tục duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 ước tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 9,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%.

Tính chung 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,4%, cao hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, đóng góp 9,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,6%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm mức tăng chung.

Qua đó, có thể thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngày càng được cải thiện rõ rệt. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá cao và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng ngành (phát triển giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 58%; sản xuất kim loại tăng 21,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 21,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,4%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 12,1%.

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm, như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,3% (khai thác dầu thô giảm 12,1% và khai thác khí đốt tự nhiên bằng cùng kỳ năm trước).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 47,4%; sắt, thép thô tăng 40,5%; ti vi tăng 26,3%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 23,3%; Alumin tăng 95,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 21,4%.

Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Phân hỗn hợp NPK tăng 2,6%; phân u rê giảm 1,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí bằng cùng kỳ năm trước; dầu thô khai thác giảm 10,5% , giảm thấp hơn so với mức giảm 10,8% cùng kỳ năm 2017).

Theo Bộ Công thương, đà tăng trưởng từ nay tới cuối năm của các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành chủ lực như chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao do các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cả năm.

Để đảm bảo hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng cao của các ngành, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá cao và là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng ngành (phát triển giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên).

Cụ thể, ở nhóm giải pháp tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất.

Về nhóm giải pháp thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTAs và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, theo đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Mai Phương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/tang-truong-cong-nghiep-toan-nganh-dat-muc-cao-iip-10-thang-dat-104-249081.html