Tăng trưởng của ASEAN dự báo cải thiện đáng kể trong năm nay

Theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (ARMO), nền kinh tế của khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2024, cải thiện đáng kể so với mức ước tính 4,3% trong năm 2023. Sự cải thiện này được kỳ vọng nhờ các hoạt động du lịch khởi sắc về mức trước Covid-19 và bất động sản của Trung Quốc cũng dần phục hồi và thúc tăng trưởng chung của khu vực.

AMRO dự báo xuất khẩu của khu vực ASEAN+ 3 sẽ cải thiện trong năm nay, với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện tử phục hồi trong những tháng gần đây. Ảnh: Singapore Business Review

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực công bố tuần trước, AMRO đánh giá rằng, Philippines sẽ dẫn đầu tăng trưởng trong số các nền kinh tế ASEAN, với mức tăng trưởng dự kiến 6,3% trong năm nay. Tiếp sau là Campuchia (6,2%), Việt Nam (6%), Indonesia (5,2%), Malaysia (5%). Trong khi đó, Thái Lan và Singapore dự báo tăng trưởng lần lượt 3,3% và 2,6%.

“Nền kinh tế Philippines thực sự đã phát triển rất tốt bất chấp lạm phát và lãi suất cao, đồng thời, nước này ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, Philippines vẫn bị ảnh hưởng vì xuất khẩu yếu kém trong năm ngoái”, nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO, nói.

Riêng đối với khu vực ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), AMRO dự báo tăng trưởng sẽ đạt mức 4,5% trong năm nay, cao hơn mức ước tính 4,4% trong năm ngoái, nhờ nhu cầu trong khu vực ổn định và xuất khẩu tăng.

Theo AMRO, sự ổn định của hoạt động công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế Trung Quốc giúp tạo thêm động lực tăng trưởng cho khu vực trong năm 2024. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng cải thiện dần hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm khác.

Nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor cho biết, sự phục hồi trong chu kỳ công nghệ toàn cầu bắt đầu được cảm nhận rõ ràng qua hoạt động xuất khẩu cải thiện của khu vực, đặc biệt là mặt hàng điện tử. Dù vậy, xuất khẩu các mặt hàng phi công nghệ của khu vực phục hồi chậm chạp.

“Mức tăng trưởng chậm lại ở Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro có thể sẽ hạn chế mức độ cải thiện xuất khẩu của khu vực”, báo cáo của AMRO cho biết.

AMRO đánh giá, doanh số bán lẻ và chi tiêu cho dịch vụ trong khu vực tiếp tục mạnh mẽ nhờ đà phục hồi của ngành du lịch. Tổ chức nghiên cứu này ghi nhận, hoạt động đầu tư đang tăng tốc ở các nền kinh tế ASEAN với số lượng dự án đầu tư được phê duyệt tăng đáng kể.

Tuy nhiên, AMRO cảnh báo, rủi ro lạm phát tăng cao vẫn còn hiện hữu và lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì mức cao ở nhiều nền kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, giá năng lượng và chi phí vận chuyển có thể tăng mạnh nếu xung đột Israrel-Hamas và Nga-Ukraine cũng như tình trạng gián đoạn các tuyến hàng hàng hải leo thang. Một đợt tăng mạnh của giá cả hàng hóa toàn cầu sẽ khiến lạm phát trỗi dậy, buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

“Giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt vẫn là rủi ro chính đối với tăng trưởng của khu vực ASEAN+3, nhưng cũng có một số yếu tố mang tính rủi ro khác. Chúng tôi vẫn không loại trừ khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm 2024 cũng có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn về chính sách và biến động trên thị trường tài chính.”, Hoe Ee Khor nói.

Báo cáo của AMRO dự báo, tăng trưởng của ASEAN + 3 có thể chỉ đạt 2,2% trong kịch bản kinh tế Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro cùng suy thoái trong năm 2024. Trong trung hạn, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn vẫn là yếu tố nguy cơ chính đối với khu vực.

Theo amro-asia.org, Phil Star

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-cua-asean-du-bao-cai-thien-dang-ke-trong-nam-nay/