Tăng trưởng kinh tế: Không dồn toa vào cuối năm

Từ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 diễn ra cuối tuần qua, các doanh nghiệp – doanh nhân có thể lưu ý được nhiều điều để từ đó có kế hoạch, sách lược cho doanh nghiệp mình trong những tháng cuối năm và cả năm 2017.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại con số về tốc độ tăng GDP 9 tháng mới đạt 5,92% và đôn đốc “phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, để có giải pháp bảo đảm tăng trưởng”, đạt mục tiêu đề ra khoảng 6,3 - 6,5%. Trong đó, lưu ý các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, đầu tư… Thủ tướng cũng nhắc nhở tình trạng “xuân thu nhị kỳ” là những tháng đầu năm, tăng trưởng thường chậm hơn. Vấn đề này tái diễn nhiều năm qua, dẫn tới những tháng cuối năm phải “vắt chân lên cổ” để đạt mục tiêu đề ra.

Lạm phát cũng là vấn đề được thảo luận tại cuộc họp khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay. “Phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

"Chúng ta phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao. Phải chủ động ngay từ bây giờ, không để bị động, lúng túng. Không thể để ăn Tết xong mới bàn đến quý I"

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy thách thức trong những tháng cuối năm còn không ít, nhưng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt. Bằng chứng là trong tháng 10 tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tính cả 10 tháng, đã vượt con số 91.000 doanh nghiệp và trong năm nay, sẽ vượt con số là trên 100.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn cũng tăng lên, đặc biệt có 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà theo xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng 9 bậc, đứng thứ 5 trong ASEAN, song Thủ tướng cũng chỉ ra một số chỉ số sụt giảm thứ hạng để có biện pháp khắc phục thời gian tới như tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn…

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý về việc không để dồn toa đầu việc: “Chúng ta phải bàn những chủ trương lớn để ngay quý I/2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao. Phải chủ động ngay từ bây giờ, không để bị động, lúng túng. Không thể để ăn Tết xong mới bàn đến quý I”.

Tinh thần chủ động và quyết liệt trong công tác lập kế hoạch, thực thi, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, là rất cần thiết để có thể về đích mục tiêu tăng trưởng 6,3 - 6,5% trong năm nay và duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2017. Theo TS Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), điểm sáng trong điều hành kinh tế thời gian qua là chỉ đạo quyết liệt nhưng tư duy duy trì tăng trưởng đã mềm mại hơn, mục tiêu tăng trưởng không còn quá cứng nhắc theo hướng phải đạt được bằng mọi giá.

“Có thể thấy rõ tư duy này trong cách điều hành kinh tế thời gian gần đây. Theo đó, nhiều kiến nghị chính sách theo kiểu áp đặt để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng như tăng khai thác dầu, tăng cung tiền thông qua việc bơm tiền cho bất động sản không còn quá cứng nhắc. Trong cách thức điều hành, cơ quan quản lý rất thận trọng để đảm bảo mục tiêu cân đối các cán cân kinh tế thay vì phải thúc đẩy tăng trưởng, nhờ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng không cao trong ngắn hạn nhưng ổn định trong dài hạn”, ông Dương phân tích.

Trong góc nhìn của chuyên gia này, còn rất nhiều vấn đề nền kinh tế phải đối mặt trong những tháng còn lại của năm. Trong đó, có việc tăng trưởng tín dụng còn cách mục tiêu khá xa, mặc dù cung tiền và tín dụng tăng đều hơn trong những tháng gần đây.

“Cần xem xét nút thắt ở việc lãi suất còn quá cao hay thủ tục tiếp cận tín dụng chưa có nhiều cải thiện và đặc biệt là khả năng hấp thu của nền kinh tế còn hạn chế”, ông Dương đặt vấn đề. Các chuyên gia của CIEM cũng lưu ý việc cần có những giải pháp để nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục bỏ vốn, bên cạnh quan tâm tới trái phiếu Chính phủ, còn đẩy mạnh rót tiền vào sản xuất kinh doanh.

Diễn biến kinh tế vĩ mô sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, như quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn còn bất định. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang để ngỏ khả năng nâng lãi suất USD trong quý IV. Nếu điều này không diễn ra thì dòng vốn, mặt bằng lãi suất, tỷ giá VND/USD tại Việt Nam có thể đối mặt với nhiều bất ổn hơn. Cũng cần lưu ý, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chậm được phê chuẩn và/hoặc thiếu đột phá trong đàm phán, qua đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng thương mại trên thế giới nói chung. Hay xu hướng bảo hộ và trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn diễn ra khá phức tạp.

Chất lượng của các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, hướng dẫn thực thi các luật quan trọng (Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi,…), việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 19/2015/NQ-CP) cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin và hoạt động đầu tư của DN, không chỉ trong quý IV mà còn cả các năm tiếp theo.

Hiếu Minh - Anh Việt

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/tang-truong-kinh-te-khong-don-toa-vao-cuoi-nam-168300.html