Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang phụ thuộc vào quyết sách của Fed

Một đợt lao dốc của thị trường chứng khoán, một vụ sụp đổ của thị trường nhà ở, cộng thêm một đại dịch mới có thể vùi dập được đà tăng trưởng gần đây của nền kinh tế Mỹ.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Kỳ vọng giữ lãi suất ổn định

Những rủi ro trên cho thấy sức chống chịu kiên cường của nền kinh tế Mỹ hiện nay. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ý thức được các rủi ro đó khi tranh luận về thời điểm cắt giảm lãi suất để đẩy lùi lạm phát đang giảm dần như hiện nay.

Các quan chức Fed đã bật đèn xanh cho xu hướng cắt giảm lãi suất trong năm nay để tránh gây áp lực quá nhiều lên nền kinh tế đã đạt tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà phân tích lo ngại là tăng trưởng kinh tế Mỹ đã trở nên quá phụ thuộc vào chi tiêu của các hộ gia đình đang có dấu hiệu căng thẳng và phụ thuộc vào tăng trưởng việc làm ở một số ít ngành/lĩnh vực và thậm chí những ngành/lĩnh vực này được cho là đang che giấu chuyện tuyển dụng bị đình trệ.

Với lạm phát hàng năm đang ở dưới mức mục tiêu 2% của Fed trong 7 tháng qua, thì xu hướng Fed cắt giảm lãi suất chỉ còn là điều sớm hay muộn.

Hiện nay, Fed được dự đoán sẽ giữ lãi suất qua đêm cơ bản ổn định ở mức 5,2 - 5,50% lần thứ tư kể từ tháng 7/2023 khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 31/1.

Thị trường đang chờ đợi bất kỳ tín hiệu nào về thời gian và tốc độ cắt giảm lãi suất trong tuyên bố chính sách của Fed hoặc từ Chủ tịch Fed Jerome Powell tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách.

Kinh tế Mỹ chưa thoát nguy cơ suy thoái, động lực tăng trưởng bị hao hụt

Sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ đã gây ngạc nhiên trong bối cảnh Fed áp dụng chính sách tiền tệ "hạn chế". Chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước khi tâm lý người tiêu dùng phục hồi. Những chuyển biến tích cực này đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi trong khi các quan chức Fed vẫn dè dặt khi đưa ra tuyên bố rằng họ đã thực hiện được kế hoạch đưa nền kinh tế "hạ cánh mềm", với lạm phát được kiềm chế mà không gây ra một cuộc suy thoái có tác động nặng nề hoặc làn sóng mất việc làm trên diện rộng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã bắt đầu chú ý đến rủi ro mà Fed phải đối mặt: nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái hoặc bỏ lỡ cơ hội duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và tạo nhiều việc làm hơn dự tính, nếu không có đợt tăng lãi suất mới.

Bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board (Mỹ), cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ "vẫn có nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái ngắn và nông" trong năm tới. Các CEO tham gia cuộc khảo sát gần đây của Conference Board tiếp tục coi suy thoái kinh tế là rủi ro hàng đầu trong năm, trong khi chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của Conference Board cũng chỉ ra rủi ro này.

Bà Peterson lưu ý, một số động lực tăng trưởng gần đây, bao gồm chi tiêu chính phủ và đầu tư kinh doanh, gần như chắc chắn sẽ suy giảm.

"Vậy còn lại gì? Còn lại người tiêu dùng", nhà kinh tế trưởng tại Conference Board nói.

Trong một điều kiện mà mức lương tăng chậm lại, tiền tiết kiệm thời đại dịch cạn kiệt và tình trạng thiếu lao động dần được khắc phục, bà Peterson nhấn mạnh: "Liệu chi tiêu của người tiêu dùng sẽ chậm lại không? Câu trả lời là có".

Vốn dĩ dựa vào dữ liệu kinh tế để đưa ra các quyết định chính sách, các quan chức Fed vẫn đang cân nhắc một cách thận trọng, bởi những số liệu kinh tế gần đây đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa hơn là tạo cơ sở rõ ràng để ra các quyết định. Quả thực, chúng đã thách thức một số tiền đề cơ bản của Fed.

Cần nhắc lại rằng vào đầu năm 2023, Chủ tịch Fed từng cảnh báo rằng các hộ gia đình sẽ phải trải qua "nỗi đau" dưới hình thức thất nghiệp gia tăng và tăng trưởng tiền lương chậm hơn nhiều để kiềm chế lạm phát cao. Khi triển vọng khắc nghiệt đó bị giảm xuống, thì các quan chức Fed lại cho rằng một đợt "giảm phát" thuyết phục sẽ đòi hỏi một thời kỳ tăng trưởng dưới tiềm năng của nền kinh tế, một khái niệm khó ước tính mà Fed cho là khoảng mức 1,8% hàng năm trong thời gian dài nhưng có thể biến động trong ngắn hạn.

Trên thực tế, lạm phát Mỹ đã giảm, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi nhiều trong hai năm ở mức 3,7% trong tháng 12/2023 do nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát ước tính.

Đáng chú ý, nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, bất luận lạm phát đã chậm lại. Bằng chứng là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ tăng 1,9% trong quý IV/2023.

Đầu tháng này, Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng dưới góc nhìn của một nhà hoạch định chính sách ngân hàng trung ương, tình hình kinh tế hiện nay "gần như là tốt đẹp". "Nhưng liệu nó có kéo dài không?" ông Waller băn khoăn.

Sức bền của tăng trưởng kinh tế Mỹ như hiện nay, nhất là tình trạng cắt giảm lao động quy mô lớn đã được khắc phục, sẽ phụ thuộc một phần vào chính sách sắp tới của Fed.

Vấn đề hiện nay là liệu Fed có thể mở rộng quy mô cắt giảm lãi suất như dự kiến để giữ tốc độ tăng trưởng đi đúng hướng hay không khi nền kinh tế Mỹ ngày càng bộc lộ những yếu điểm - từ việc sử dụng tín dụng ngày càng tăng và tình trạng vỡ nợ của các hộ gia đình cho đến "sức khỏe" của các ngân hàng cung.

Các quan chức Fed khẳng định họ sẽ không hoan nghênh mức lãi suất quá cao trong thời gian dài. Hiện tại, họ cho biết họ nhận thức được sai lầm lớn trong việc nới lỏng chính sách sớm và có nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại, một sai lầm mà Fed từng mắc phải vào những năm 1970 và một sai lầm mà ông Powell đã cam kết không lặp lại.

Kể từ cuối những năm 1980, khi lạm phát và những điều chỉnh lãi suất cơ bản của Fed đều trở nên ít biến động hơn, cơ quan này chỉ trải qua một chu kỳ tăng lãi suất mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể trong giai đoạn 1994 - 1996. Làm được như vậy đòi hỏi Fed và người đứng đầu xác định được những thách thức họ phải đương đầu, trong đó có áp lực kiềm chế lạm phát bất chấp tốc độ tăng trưởng liên tục.

Ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn đầu tư Wilmington Trust Investment Advisors (Mỹ), cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ vượt qua suy thoái, nhưng không loại trừ khả năng Chủ tịch Fed mắc sai lầm ngược lại của Fed thời những năm 1970 khi giữ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn mức cần thiết và khả năng tăng lãi suất trở lại sau hai năm mức lãi suất kỷ lục là điều có thể xảy ra.

"Nếu chúng ta sắp xảy ra suy thoái, thì đó là điều khó tránh. Tác động chậm trễ của việc tăng lãi suất sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề hơn chúng ta dự đoán", ông Tilley nói thêm.

Nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust Investment Advisors cho rằng lạm phát Mỹ dường như sẽ chững lại nhanh hơn dự đoán của Fed và việc cắt giảm lãi suất có lẽ phải đến tháng 6 mới bắt đầu. "Tôi nghĩ họ (Fed) sẽ vẫn giữ lãi suất rất cao vào cuối năm nay", ông Tilley dự đoán.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-kinh-te-my-dang-phu-thuoc-vao-quyet-sach-cua-fed-d208157.html