Tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt 8%

Mặc dù quý IV còn có những khó khăn, nhưng do nền kinh tế đang đà phục hồi nên nếu không có những biến động quá lớn thì tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt đến 8%. Đây là nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu về kịch bản tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2022.

PV: Thưa ông, kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng vừa qua khá khả quan. Xin ông cho biết những động lực tăng trưởng nào giúp đạt được kết quả này?

Ông Lê Trung Hiếu: Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Những cân đối vĩ mô vững mạnh đã tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi, tăng trưởng tích cực.

Ông Lê Trung Hiếu

Ông Lê Trung Hiếu

Ở phía cung, khu vực nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khu vực công nghiệp xây dựng tăng trưởng tốt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, gần lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước đại dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực.

Khu vực thương mại có sự tăng trưởng ấn tượng do các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã bị suy giảm nghiêm trọng trong cùng kỳ năm trước do đại dịch đang dần hồi phục mạnh mẽ và sôi động trở lại. Trong quý III khu vực dịch vụ tăng 18,9% và 9 tháng tăng 10,6%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm.

Ở phía cầu, 3 cấu phần của “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất nhập khẩu đều ghi nhận có sự tăng trưởng cao.

Tổng cầu tiêu dùng trong nước thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân, do nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân bị nén lại sau 2 năm đại dịch sang năm 2022 có cơ hội bùng nổ khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so cùng kỳ, là mức vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%; tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

PV: 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội tương đối khả quan, song những tháng cuối năm được nhận định còn rất nhiều thách thức. Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức cần phải lưu ý trong thời gian tới?

Ông Lê Trung Hiếu: Những tháng cuối năm, tình hình thế giới còn rất nhiều biến động khó lường. Điều này khiến việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp lớn; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Chúng tôi cho rằng, những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi tình hình hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và ảnh hưởng đến sản xuất điện từ thủy điện tại Việt Nam.

Điều hành tăng trưởng tín dụng cũng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát và nhu cầu vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào tăng. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

Thu ngân sách tích cực tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu, điểm sáng nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội vừa qua là ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong đó, thị trường tiền tệ được điều hành linh hoạt, duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá hợp lý để kiềm chế lạm phát. Thu ngân sách 9 tháng ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm trước, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Đây là kết quả việc điều hành chính sách hợp lý, hiệu quả của Chính phủ trong thời gian vừa qua trong điều kiện nền kinh tế thế giới nhiều khó khăn, biến động.

PV: Trên cơ sở tình hình thực tế và dự báo như vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá thế nào về tăng trưởng GDP của cả năm 2022?

Ông Lê Trung Hiếu: Từ kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2022 và những khó khăn, thách thức nền kinh tế có thể gặp phải trong quý IV, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng cả năm theo 2 phương án.

Ở phương án thứ nhất, nếu quý IV đạt mức tăng trưởng khoảng 4,14%, thấp nhất các quý trong năm, thì tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 7,5%.

Phương án thứ hai, tăng trưởng quý IV đạt 5,9%, cao hơn quý I là 5,05% và thấp hơn quý II là 7,83%. Khi đó tăng trưởng cả năm có thể đạt 8%.

Mặc dù quý IV còn có những khó khăn, nhưng do nền kinh tế đang đà phục hồi, đặc biệt là các ngành dịch vụ, nên nếu trong quý IV không có những biến động quá lớn, tôi cho rằng khả năng cao nghiêng về kịch bản cả năm đạt 8%.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-kinh-te-nam-2022-co-the-dat-8-113739-113739.html