Tăng trưởng kinh tế: Tốc độ hay quy mô?

Mặc dù, tăng trưởng trong năm qua của chúng ta trên dưới 7% GDP, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, nhưng với quy mô nền kinh tế 250 tỷ USD thì bao giờ mới đuổi kịp 'thiên hạ'?

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, những tháng đầu năm 2019 trước Quốc hội ngày 20/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thông tin rằng: “Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới”.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng qua các năm từ 2005-2018. Nguồn: Tổng cục Thống kê, ĐVT: tỷ USD. Đồ họa: Minh Đức

Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng qua các năm từ 2005-2018. Nguồn: Tổng cục Thống kê, ĐVT: tỷ USD. Đồ họa: Minh Đức

Tăng trưởng thế nào?

Tốc độ tăng trưởng từ đầu nhiệm kỳ luôn được Chính phủ nêu ra ở nhiều dịp và cho rằng: đó là điều đáng ghi nhận và… tự hào. Hẳn nhiên, trong một thế giới luôn biến động không ngừng, nhất là các biến động về chính trị - kinh tế, Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển, vẫn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng cao là một điều rất tốt.

Tuy nhiên, như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng nhận định rằng: “Muốn đuổi kịp thiên hạ, thì Việt Nam phải tăng trưởng ít nhất từ 9-10% liên tục trong nhiều năm”.

Vì sao lại như thế? Bởi đơn giản cho đến nay, quy mô của nền kinh tế cũng mới chỉ tăng lên xung quanh 250 tỷ USD. Mà với quy mô như vậy, thì rõ ràng kinh tế Việt Nam cần một tốc độ tăng trưởng rất cao để đưa quy mô nền kinh tế ấy tiệm cận với quy mô các nền kinh tế phát triển. Điều ấy hiển nhiên cũng đồng nghĩa rằng: tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu gắn với quy mô nền kinh tế, thì không có nhiều ý nghĩa nếu nó chỉ dừng lại ở mức 7,08%. Đòi hỏi phải có một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại, những bất ổn địa chính trị trên thế giới luôn tiềm ẩn cũng là một đòi hỏi quá cao. Chính phủ có thể điều hành vĩ mô bằng nhiều biện pháp, nhưng chắc chắn biện pháp nào cũng phải dựa trên nền tảng quy mô và nội lực thực sự của nền kinh tế. Bởi nếu không, những con số được đưa ra sẽ không phản ánh trung thực bản chất của sự vận động, phát triển và lại càng khó là bệ đỡ cho những chính sách vĩ mô.

Với quy mô nền kinh tế chỉ khoảng 250 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam so với các nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, xa hơn là Mỹ… sẽ rất nhỏ bé. TS Trần Đình Thiên từng ví von nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé chưa thể so sánh với những nền kinh tế tầm lớn hơn. Nền kinh tế nhỏ thì tỷ lệ phần trăm tăng trưởng cao cũng không có ý nghĩa nhiều lắm. “Nôm na là “1.000 bước đi của con kiến cũng không bằng 2 bước phi của một chiến mã”. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể 10% nhưng giá trị tuyệt đối vẫn không bằng được 2% của Singapore” - ông Thiên nhận định.

Chính sách phục vụ ai?

Sự thật là, nhiều năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phần lớn vẫn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, nội lực thể hiện qua việc các công ty trong nước được thành lập tăng lên hàng năm do chính sách cải cách của Chính phủ, thì lại bị số lượng những công ty đóng cửa làm mờ đi một chút. Nhiều người vui mừng vì khu vực FDI vẫn tốt lên từng năm, nhưng cũng không ít người lo lắng khu vực kinh tế trong nước yếu đi hoặc không mạnh như dự kiến hay mong đợi.

Những diễn đàn kinh tế được tổ chức gần đây đều lưu ý đến thực tế này. Kể cả những diễn đàn kinh tế tư nhân được tổ chức gần đây cũng cho thấy: khu vực mà nhà nước đang có nhiều quyết sách thúc đẩy vẫn còn vướng nhiều khó khăn, rào cản từ chính thể chế kinh tế này. Bởi vậy, sẽ rất khó có thể hiện thực hóa những quan điểm, định hướng về “chủ đạo” cũng như “động lực quan trọng” của nền kinh tế như các văn kiện đại hội đã nhắc tới.

Mà như vậy thì điều ấy cũng có nghĩa là việc Chính phủ mong muốn thúc đẩy thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh còn cần nhiều nỗ lực, nhất là trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp tư nhân có thể làm trụ cột cũng còn ít. Chính vì vậy, điều cần làm hiện nay có lẽ vẫn là cần minh định và triển khai cho được một chiến lược kinh tế phù hợp với thời đại. Ở đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội và lợi thế do hội nhập và cải cách thể chế mang lại. Điều thứ hai là cần phải tránh được tình trạng cải cách và hội nhập nhưng chỉ khu vực FDI là tận dụng được các lợi ích mang lại trong khi khu vực trong nước lại phải chịu nhiều thách thức và có nguy cơ rơi vào những rủi ro khi chính sách khó tiên lượng được.

Khi đó, cùng với việc thúc đẩy công khai, minh bạch, thì khu vực kinh tế không quan sát được mới thu hẹp lại. Và khi ấy, những con số vĩ mô mới có thể phản ánh trung thực những gì tầm “vi mô” thực sự đạt đến.

Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Tình hình sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu chững lại, một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này. Việc thiếu các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia hay việc tham gia của doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới còn rất thấp. Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi, công tác dự báo cung, cầu còn bất cập. Hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập.

Mai Thị Ánh Tuyết - Đại biểu quốc hội Đoàn An Giang:

Khu doanh nghiệp trong nước chưa vượt qua được những mốc khó khăn. Doanh nghiệp trong nước nhỏ, tình hình doanh nghiệp phá sản diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp mới quy mô nhỏ quá nhiều trong khi những doanh nghiệp có quy mô lớn, tác động tích cực đến nền kinh tế lại ít. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước chưa thực sự gắn kết cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển.

Ngoài ra, chủ trương tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu sẽ làm ảnh hưởng chỉ số lạm phát, gây bất lợi trong điều hành vĩ mô. Chính phủ cần điều hành mang tính chủ động hơn nhằm kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm vì những giải pháp vừa qua chưa thực sự tác động rõ nét.

Đại Dương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/toc-do-hay-quy-mo-150670.html