Tăng trưởng sản xuất vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI

VOV.VN -Cải thiện sản xuất còn hạn chế là do đầu tư trong nước chậm cải thiện và tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, 4 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kì năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4% (cùng kì năm trước tăng 5,5%).

Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của tháng 3/2014 cho thấy sản xuất liên tục mở rộng trong 7 tháng, trong đó, sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng nhanh.

Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 4 tháng/2014, tăng 34,8% so cùng kì năm trước, cao hơn đáng kể mức tăng 7% của khu vực này cùng kì năm 2013.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá ước tăng 5,87% so cùng kì năm trước, cao hơn mức 4,6% của cùng kì năm 2013. Khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 4 tháng cũng tăng nhanh hơn cùng kì năm trước, ước tăng 4,3% so với cùng kì (cùng kì năm trước tăng 2,6%).

Tuy nhiên, mức cải thiện sản xuất cũng như tăng trưởng chưa cao.

Theo khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, kinh tế 3 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) có dấu hiệu cải thiện trong quý I/2014 nhưng với mức độ chưa lớn.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi tăng trưởng của Bình Dương cao hơn nhiều cùng kì năm 2013 (9% so với 7,3%), tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng nhẹ so với cùng kì (7,7% so với 7,6%) và tăng trưởng của Đồng Nai giảm so với cùng kì (10,2% so với 10,6%). Tương tự đối với sản xuất công nghiệp, trong khi mức tăng của Bình Dương cao hơn nhiều cùng kì (12,3% so với 9,1%) thì TP Hồ Chí Minh chỉ tăng nhẹ (4,9% so với 3,6%) và Đồng Nai giảm nhẹ (7,08% so với 7,2%).

Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các tỉnh này, nhất là Bình Dương, nhiều khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch về tăng trưởng kinh tế.

Nguyên nhân khiến cải thiện sản xuất còn hạn chế là do đầu tư trong nước chậm cải thiện và tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ vào tình hình tín dụng cho thấy, đầu tư tư nhân chưa cải thiện nhiều. Tín dụng tính đến ngày 21/4/2014 tăng 0,53% so với tháng 12/2013, thấp hơn mức tăng 1,44% của cùng kì năm 2013. Đồng thời, chi đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, đầu tư nước ngoài thực hiện trong 4 tháng/2014 tăng 6,7% so cùng kì năm trước, cao hơn mức 3,9% của cùng kì 2013. Hoạt động sản xuất của khu vực đầu tư nước ngoài cũng sôi động hơn khu vực trong nước khi kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm của khu vực đầu tư nước ngoài ước tăng 20,6% so với cùng kì năm trước; trong khi nhập khẩu của khu vực trong nước chỉ tăng 2,03% (thấp hơn mức tăng của cùng kì 2013 là 10,5%).

Vẫn theo khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 3 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là tỉnh ít chịu 5 ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhất mà nguyên nhân chính là do tỉnh có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn./.

Đặng Khanh/VOV online

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/tang-truong-san-xuat-van-phu-thuoc-vao-khu-vuc-fdi/324336.vov