Tăng trưởng tín dụng đến 30/11 đạt 9,15%, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm

Đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%).

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 7/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%).

Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến ngày 31/10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 NHTM. Kết quả, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng.

Về chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân, đến hết tháng 11, đã giải ngân khoảng 9.386 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 năm 2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất khoảng gần 64.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng.

NHNN cũng điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, góp phần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng trên 2%, tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh. Đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng sau chỉ hơn 4 tháng, các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn từ các ngân hàng với lãi suất khoảng từ 5-5,9%, còn lãi suất USD từ 4,1-4,5%.

Tại Hội nghị, ông Kang Gew Won, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam tin tưởng ngành ngân hàng có thể hoạt động, phát triển ổn định, tích cực hơn trong năm 2024.

Ông cho biết đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của Shinhan đã đạt 15% và gần đây, cùng với các ngân hàng khác, Shinhan đã được NHNN tăng thêm 5% room tín dụng so với hạn mức phân bổ lần thứ 2 trước đó.

Ông cho rằng, việc tăng room tín dụng này là hành động rất kịp thời và ý nghĩa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là trong giai đoạn nước rút, tăng tốc cuối năm, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang rất cần dòng tiền.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/tang-truong-tin-dung-den-3011-dat-915-lai-suat-cho-vay-se-tiep-tuc-giam-195060.html