Tăng trưởng tín dụng: Lãi suất không phải là tất cả

DoanhNhanOnline – Tại hội thảo thảo về tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 7/5, vấn đề hạ lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp...

DoanhNhanOnline – Tại hội thảo thảo về tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 7/5, vấn đề hạ lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận như thế nào cho phù hợp được không ít chuyên gia kinh tế, lãnh đạo ngân hàng nêu ra.Lãi suất thấp không kích được tăng trưởng tín dụng

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm cả lãi suất huy động và cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chưa có tác động rõ rệt đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây.

Vấn đề được đặt ra là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng và làm sao để các ngân hàng đưa được vốn vào nền kinh tế thúc đẩy sản xuất phát triển.

PGS. TS. Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng chỉ ra rằng, đối với khả năng đáp ứng là các ngân hàng có thể thấy nguồn không thiếu, chính sách của bên cho vay cũng cởi mở hơn. Trên thị trường, tín hiệu giảm lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động đã và đang được các ngân hàng thương mại thực hiện. Như vậy câu chuyện không phải ở vấn đề lãi suất.

Xét về nhu cầu của ngưới đi vay, có thể thấy nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt không có nhu cầu vay vốn. Có những doanh nghiệp chịu “thương tích” do khó khăn chung của nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp này đang xác định lại hướng kinh doanh phù hợp cũng như tìm kiếm thị trường, chính vì vậy nhu cầu về vốn của họ không nhiều. Ngoài ra là các doanh nghiệp hết sức khó khăn, những khó khăn tồn đọng trong doanh nghiệp chưa có hướng giải quyết, đầu ra của sản phẩm cũng gặp khó, nhu cầu vay vốn về phía doanh nghiệp và ngân hàng đang phải xem xét, cân nhắc.

“Người đi vay phải có nhu cầu vay thật, cần vốn thật cho sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp và ngân hàng mới có thể đến với nhau được. Và đó là mấu chốt để tín dụng tăng trưởng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng của Học viện Ngân hàng – dẫn một kết quả nghiên cứu của Viện này cho thấy chính các doanh nghiệp thừa nhận lãi suất không phải vấn đề với họ. Ông Trung cho rằng tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam kém “nhạy cảm” với lãi suất. Theo ông, lãi suất giai đoạn 2004-2012 dù cao cũng không cản bước các doanh nghiệp tìm mọi cách để vay vốn. Ngược lại, năm nay lãi suất dù thấp nhưng cũng không kích thích được tăng trưởng tín dụng.

“Nói cách khác, nhân tố lãi suất chỉ đóng một vai trò khá mờ nhạt trong sự biến động của nguồn tín dụng từ ngân hàng,” ông Trung kết luận.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, lãi suất không phải là khó khăn với một số doanh nghiệp. “Đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tôi nghĩ lãi suất có 0% thì vẫn cao. Khi đầu ra không có, cho vay 0% thì họ cũng không vay nổi vì không trả được khoản gốc,” ông Hưởng lo ngại.

Bắt đầu từ ngày 6/5, “ông lớn” Vietcombank mạnh dạn giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và động thái này gợi mở không ít dự báo trần lãi suất tiết kiệm có thể giảm thêm. Tuy nhiên, lãnh đạo LienVietPost Bank lại cho rằng, hạ lãi suất “chỉ nên vừa phải” để vẫn bảo vệ người gửi tiền thay vì cố cứu doanh nghiệp làm ăn yếu kém.

“Còn nếu lãi suất tiếp tục hạ nữa thì chắc chắn người dân sẽ đổ xô rút tiền, các ngân hàng lại rơi vào tình trạng mất thanh khoản và không loại trừ trường hợp các ngân hàng thương mại lại lao vào cuộc đua lãi suất mới để bù đắp thanh khoản,” ông Hưởng khẳng định.

Cần giảm nhanh lãi suất cho vay

Trái ngược với các quan điểm trên, TS Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam lại cho rằng, trong quý 1/2013 có tới 15.300 doanh nghiệp phá sản, đây cũng là quý có số doanh nghiệp phá sản nhiều nhất so với các năm trước. Chính vì vậy, để kích thích các doanh nghiệp sản xuất, làm ăn hiệu quả, theo ông Thiên cần phải giảm mạnh lãi suất cho vay vì năm nay kỳ vọng lạm phát sẽ ở mức thấp.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, giảm lãi suất để doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất thấp chứ không phải giảm lãi suất để ngân hàng an toàn hơn. Ông Thiên cũng cho rằng mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ ở mức bình thường của thế giới (3-3,5%%) chứ như hiện nay chênh tới 5-6% là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

“Lập luận của các ngân hàng là muốn hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động, cái lý của họ như vậy là đúng vì phải giữ khoảng cách an toàn, nhưng các ngân hàng đã an toàn mấy năm rồi còn doanh nghiệp lại đang trên bờ vực phá sản,” ông Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Thiên, việc hạ lãi suất huy động cần phải song hành cùng với hạ lãi suất cho vay nhưng đa số các lần hạ lãi suất trước tốc độ giảm lãi suất cho vay bao giờ cũng chậm hơn lãi suất huy động. Vấn đề này cần phải sớm được điều chỉnh. Có như thế, doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn, tăng khả năng cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, với gần 3 triệu tỷ đồng dư nợ, nếu giảm lãi suất cho vay thêm 2%/năm thì số tiền lãi vay được giảm lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm, tác động tích cực cho toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, Ủy ban này cũng đề nghị, lãi suất thấp hiện nay tập trung ưu đãi cho một số đối tượng, còn đa phần doanh nghiệp khác đang ngần ngại với mức lãi suất cho vay 15%/năm vì lo làm ăn khó có lãi, nếu không có lãi thì vay làm gì. Nếu được giảm xuống 10%/năm, khi đó chắc các doanh nghiệp rất hào hứng, sẵn sàng vay vốn.

Giám đốc một công ty kinh doanh thép cũng cho rằng lãi suất cho vay phải kéo xuống mức 9-10%/năm thì doanh nghiệp mới có thể kinh doanh có lãi. Lãi suất huy động thời gian qua giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay lại giảm khá chậm. Hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức 13-15%/năm, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo Vietnam+

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/tang-truong-tin-dung-lai-suat-khong-phai-la-tat-ca/