Tăng trưởng tốt nhưng thiếu bền vững

Nhiều chuyên gia dự hội hội thảo Kinh tế Việt Nam: 'Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy' ngày 15-11, đều nhận định dù kinh tế đang có những cải thiện tích cực nhưng bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức.

Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Xu hướng “giảm bền vững”

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực thể hiện ở một số điểm nhấn đáng chú ý, gồm vốn đầu tư khu vực dân doanh tăng mạnh, ước tăng 16% năm 2017 so với 10% của năm 2016; tín dụng ngân hàng cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước và tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng tín dụng chung của toàn nền kinh tế (khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 84% tín dụng toàn ngành kinh tế); hệ số ICOR của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ bằng 60% của khu vực kinh tế nhà nước nên hiệu quả đầu tư được cải thiện; tỷ trọng đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế đạt 94,3% so với 92,3% của năm 2016…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều cản trở khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, tái cơ cấu DNNN chưa đi vào thực chất; những khó khăn tới từ các tác động của diễn biến chính trị, kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu... cần phải có giải pháp để khắc phục.

Động lực tăng trưởng cũ đã cạn kiệt, chậm thay mới động lực tăng trưởng; tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng 7-8 năm qua không đạt kết quả do chỉ lo “tháo gỡ, chỉnh sửa, nâng cấp” để “tận khai” mô hình cũ, chậm chuyển sang cơ chế thị trường bình thường… Do đó, phải cải cách, phải “đổi mới lần 2” thay triệt để cơ chế xin - cho bằng cơ chế và động lực thị trường.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nhìn nhận tăng trưởng theo quý “năm nào cũng thắng lợi” nhưng các chuyên gia cũng cho rằng trong dài hạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam “không tồi” nhưng đang có xu hướng “giảm bền vững” từ năm 2000 đến nay. Câu hỏi đặt ra là tại sao GDP năm 2017 tăng trưởng cao mà nền kinh tế vẫn chậm lớn?

Đó là vì chi phí vốn quá cao; nợ công tăng 5%/năm; tín dụng tăng 15-18%/năm, trong khi lãi suất, chi phí logistics, chi phí giao dịch cao bậc nhất thế giới; giải ngân vốn đầu tư công, trái phiếu chính phủ chậm, lãng phí và thiệt hại (nghiên cứu của ADB: chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm (6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi) và trung bình, chậm trễ 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính)…

Áp lực thay đổi

Những mục tiêu quan trọng đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi phải đánh giá một cách nghiêm túc, có trách nhiệm những cản trở, rào cản cho tăng trưởng cho giai đoạn vừa qua, tìm ra những động lực tăng trưởng mới trong dài hạn bên cạnh dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn.

Các động lực mới cho tăng trưởng phải giúp nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng đi kèm với ổn định của nền kinh tế. Nói cách khác, động lực cho tăng trưởng trong thời gian tới cần hướng tới số lượng gắn với chất lượng của tăng trưởng.

Xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng với kết quả 9 tháng đạt con số kỷ lục 154 tỷ USD và dự kiến năm nay đạt 202 tỷ USD. (Trong ảnh: Xuất khẩu gạo)

Cách tiếp cận mới để thay đổi là: tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản – dài hạn: cơ cấu và cơ chế. Tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng và phải căn cứ vào các cam kết hội nhập cao nhất (cam kết CPTPP, VEFTA…); chuyển hướng chính sách tăng trưởng GDP từ “kích cung” sang “trọng cầu”, hướng tới chất lượng tăng trưởn; định hình du lịch là ngành mũi nhọn; đề cao vai trò của các “đầu tàu”, trung tâm tăng trưởng - các đô thị lớn, hiện đại; tổ chức bộ máy theo chức năng, đề cao chế độ chịu trách nhiệm cá nhân (thủ trưởng) và nguyên tắc “hợp đồng”…

Bên cạnh đó, cần phải tập trung quan tâm, hỗ trợ thể chế cho các trung tâm tăng trưởng lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… trên quan điểm phân cấp phân quyền và trao quyền cho các địa phương. Cùng với đó tập trung đột phá 3 đặc khu một cách thực chất.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh việc định hướng chủ yếu trong thời gian tới là sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn quốc tế tốt của kinh tế thị trường hiện đại trong thiết kế, giám sát và đo lường kết quả của cải cách thể chế, cải tiện môi trường kinh doanh. Cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, gia tăng năng suất lao động.

Vì vậy, tất cả giải pháp cải cách thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh đều hướng đến phát triển các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng và tăng mức độ cạnh tranh thị trường nhằm tăng hiệu quả kỷ thuật, hiệu quả phân bố và hiệu quả động năng, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế…

Thí dụ, trong năm 2018 cần hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh; loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc điện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu và chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; tiếp tục coi năm 2018 là năm cắt giảm chi phí… Tất cả những điều đó phải được thực hiện quyết liệt với mục tiêu tăng 14-18 bậc về môi trường kinh doanh trong năm 2018.

Hà My

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/tang-truong-tot-nhung-thieu-ben-vung-52036.html