Tăng tuổi nghỉ hưu: Cơ hội việc làm cho lao động trẻ có bị ảnh hưởng?

Theo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bắt đầu từ năm 2021 sẽ nâng dần độ tuổi nghỉ hưu của nam giới lên 62 và nữ giới lên 60 tuổi. Trước vấn đề này, còn nhiều băn khoăn về những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt việc làm của lao động trẻ.

Ảnh minh họa. Ảnh AT.

Ảnh minh họa. Ảnh AT.

Theo đó, phương án 1 là kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trao đổi về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ, ông Bùi Sỹ Lợi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu như trước đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 1 triệu người từ 15 tuổi trở lên tham gia vào thị trường lao động, thì đến nay con số này có xu hướng giảm chỉ còn một nửa.

"Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, lượng lao động tham gia vào thị trường lao động giảm đi, nên không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ", ông Lợi nhấn mạnh.

Hiện nay tỷ lệ thất nghiêp của nước ta đang thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường không có việc làm đã giảm rõ rệt.

Trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, lao động trẻ tự tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tuyển dụng bằng thi tuyển. Vì vậy, họ có cơ hội rất nhiều.

Theo ông Lợi, từ đây đặt ra vấn đề về nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động có chuyên môn, khả năng để không chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà còn có thể tự tạo việc làm.

Trao đổi về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ Lao Động (Tổng LĐLĐVN), Tổng LĐLĐVN đồng ý với phương án 1.

Ông Lê Đình Quảng giải thích, sở dĩ chọn Phương án 1 nhằm đảm bảo có lộ trình, giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế xã hội tổng thể.

“Kinh nghiệm của một số nước có tăng tuổi nghỉ hưu vừa qua cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên “cú sốc”, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế- xã hội khác của đất nước”- ông Quảng cho biết.

Ông Quảng nói thêm, Tổng LĐLĐVN đồng ý với Phương án 1, tuy nhiên cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù.

Đối với những đối tượng này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Anh Thư

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/tang-tuoi-nghi-huu-co-hoi-viec-lam-cho-lao-dong-tre-co-bi-anh-huong-732747.ldo