Tăng tuổi nghỉ hưu: Người trẻ thất nghiệp, người già ì ạch

Theo nhiều bạn đọc, tuổi thọ người Việt Nam có thể cao hơn trước đây, nhưng sức khỏe không tốt, thường xuyên bệnh tật. Do vậy, khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu phải hết sức cân nhắc.

Tiếp tục phản hồi về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều bạn đọc cho rằng Ban soạn thảo phải hết sức cân nhắc bởi điều kiện làm việc và sức khỏe của người lao động (NLĐ) Việt Nam có khoảng cách khá xa với các nước.

Phần lớn bạn đọc, chủ yếu là cán bộ, công chức, đặc biệt là ngườu lao động (NLĐ) đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Đề cập đến vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Linh Hương bày tỏ "Nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại. Vì người Việt Nam chúng ta có tuổi thọ có thể cao hơn trước đây, nhưng sức khỏe không tốt, thường xuyên bệnh tật. Tôi chứng kiến nhiều người về hưu mới được một năm đã mắc bệnh ung thư và ra đi khi chưa được hưởng lương hưu trí là bao". Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Văn Lương cũng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là nam (60 tuổi), nữ (55 tuổi). "Đến tuổi này nhiều bác kêu oải lắm rồi ạ. Xin hãy để cho NLĐ có chút thời gian hưởng tuổi già khỏe mạnh bên gia đình"- bạn đọc này bày tỏ. Một bạn đọc có nick Trungkn2008@yahoo.com, bộc bạch: "Người trẻ thất nghiệp, người già ì ạch, thiếu động cơ thì lại làm việc. Buồn". Bạn đọc Trần Thị Hiên, khẳng định: "Nam 60 tuổi cũng già yếu lắm rồi, nhiều người còn mắc một số bệnh. Tôi không đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu".

Đa số công nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Đa số công nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Dẫn chứng ngay trường hợp của mình, bạn đọc Hungnguyen viết: "Tôi cũng là dân công chức nên chỉ muốn làm đến 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ thôi, còn sống được năm nào để hưởng thụ, đi chơi đi du lịch tuổi về già". Tương tự, bạn đọc có nickname Nguyenvantan_sc, góp ý: "Công chức, công nhân và NLĐ bình thường chỉ muốn nghỉ hưu theo quy định cũ là nam 60 tuổi và nữ 50 tuổi thôi. Đề nghị các nhà hoạch định chính sách gần NLĐ, công nhân chân tay và người công chức bình thường hơn sẽ rõ". Theo bạn đọc Phamboitinh, trước mắt không nên tăng tuổi nghỉ hưu. Thậm chí khối công nhân (CN) trực tiếp sản xuất phải giảm mức tuổi nghỉ hưu vì đa số ông chủ nhất là ngành may thường muốn đuổi cổ CN già sớm hơn".

Bạn đọc Nguyễn Vĩnh Nguyên, phân tích: "Tôi nghĩ nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay! Nếu tăng thêm thì hệ lụy rất lớn: lớp trẻ chậm 2 năm (với nam), 5 năm (với nữ) để có thể thay thế vị trí công việc của người trước đó. Sự ùn tắc này sẽ vô cùng nguy hiểm! Chưa kể đến việc tuổi tác cao ảnh hưởng đến tư duy, trí tuệ và năng suất lao động!

Ở góc nhìn rộng hơn, bạn đọc Lão Bản, góp ý: " Tôi thấy hình như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là nghiên cứu đơn thuần của cơ quan soạn thảo. Một vấn đề tôi cũng rất quan tâm mà một bạn đã có ý kiến là tại sao nữ nghỉ hưu có 30 năm đóng BHXH mà thiếu 1 tuổi lại phải trừ 2% (73%), còn cũng nữ nghỉ hưu đủ tuổi nhưng chỉ có 25 năm đóng BHXH mà vẫn được 75%. Đây có phải là vấn đề cần nghiên cứu tách tuổi lao động ra khỏi chế độ hưu trí hay không Phải chăng chúng ta đang có sự nhầm lẫn hai khái niệm".

Đa số công nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Một bạn đọc có nickname Vinh09, bày tỏ: "Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho BHXH, còn NLĐ không thể đáp ứng nổi, tuổi già, chậm chạm, tham vọng không còn nên công việc không đạt hiệu quả cao nhất dẫn đến sự ì ạch, chậm phát triển của đất nước". Hài hước hơn, bạn đọc tên Chung viết: "Người biết làm việc thì nghỉ hưu hay không họ cũng kiếm được việc làm, do vậy không cần thay đổi tuổi hưu".

Bài và ảnh: An Khánh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-nguoi-tre-that-nghiep-nguoi-gia-i-ach-20191018092752577.htm