Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV

'Không phát hiện=Không lây truyền (K=K)' có nghĩa là những người sống chung với HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và đạt tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phát hiện mới này giúp cho người nhiễm HIV tích cực tham gia điều trị ARV, góp phần tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV tại các cơ sở y tế, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Sự kiện truyền thông K=K diễn ra tại TP.Vũng Tàu trong tháng 12 vừa qua thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, sở, ban, ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện truyền thông K=K diễn ra tại TP.Vũng Tàu trong tháng 12 vừa qua thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, sở, ban, ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

HIỆU QUẢ TỪ VIỆC TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ

Anh B.H. sinh năm 1972, biết mình bị nhiễm HIV cách đây hơn 1 năm, và hiện đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc. Thời gian đầu điều trị, anh khá lo lắng, chưa hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả của thuốc ARV. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng điều trị, sức khỏe của anh hồi phục rất tốt, qua xét nghiệm tải ngưỡng vi rút trong máu của anh đã dưới ngưỡng phát hiện (125 bản sao/ml máu). Bác sĩ đã tư vấn cho anh, với kết quả điều trị này, anh sẽ không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục; điều này đã tiếp thêm cho anh niềm tin và động lực để cố gắng tuân thủ điều trị ARV tốt hơn. Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, anh nói: “Cuộc sống sinh hoạt của tôi khá lành mạnh, nhưng chỉ vì vài lần quan hệ tình dục không an toàn mà tôi đã bị nhiễm HIV. Sau thời gian điều trị tại trung tâm và được bác sĩ tư vấn kỹ về K=K, tôi cảm thấy tự tin, chất lượng cuộc sống đã cải thiện khá nhiều”.

Cũng như anh H., đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân HIV đạt tải ngưỡng vi rút không lây truyền nhờ việc tham gia sớm và tuân thủ tốt điều trị ARV. Trong đó, kết hợp với chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không ít những trường hợp nhiễm HIV đã lập gia đình và sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Tại BR-VT, hiện có hơn 2.000 trường hợp điều trị ARV tại các cơ sở y tế. Theo đánh giá của các cơ sở y tế, đa số bệnh nhân đều tuân thủ yêu cầu điều trị và có cải thiện sức khỏe rõ rệt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ước tính hơn 4.600 người, trong đó số phát hiện mới trong năm 2019 khoảng 200 trường hợp. Những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Vì vậy việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ vi rút trong máu của bệnh nhân đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/1ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây lan qua đường tình dục cho bạn tình. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt tại các phòng khám trên địa bàn tỉnh, có tải lượng vi rút HIV ở mức thấp (ngưỡng không lây nhiễm) đạt gần 73%.

TIẾP TỤC LAN TỎA THÔNG ĐIỆP K=K

Phát hiện K=K đã được 859 tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại hơn 97 quốc gia công nhận và ủng hộ. Tại Việt Nam, K=K đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xem xét các bằng chứng khoa học và đồng ý với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và UNAIDS cũng như sự đồng thuận rộng rãi và ngày càng tăng trên toàn cầu về K=K.

K=K đã làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được. Điều này cũng khuyến khích người có nguy cơ nhiễm HIV tiếp cận với xét nghiệm HIV và khi chẩn đoán nhiễm HIV thì điều trị ARV sớm; đồng thời khuyến khích họ tuân thủ và duy trì điều trị để đạt ngưỡng vi rút ức chế giúp loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, bảo vệ người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các chuyên gia chỉ khẳng định việc điều trị bằng ARV giúp tránh lây nhiễm HIV qua con đường tình dục, còn với những con đường lây nhiễm khác như tiêm chích chung kim tiêm, truyền máu... thì chưa được khuyến cáo về độ an toàn nếu đang được điều trị bằng ARV. Bên cạnh đó, bao cao su vẫn là biện pháp hiệu quả giảm thiểu lây truyền HIV, cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và kế hoạch hóa gia đình.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái, ngoài những mục tiêu cơ bản mà BR-VT đã đạt được, trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS sắp tới, còn nhiều mục tiêu cần tiếp tục quan tâm, giải quyết. Đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, đây chính là rào cản lớn nhất, khiến người có nguy cơ cao ngần ngại không tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, dẫn đến nguồn lây nhiễm HIV trong cộng đồng, tử vong do AIDS tăng cao. Do đó, việc lan tỏa thông điệp K=K có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đạt mục tiêu không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, ngăn chặn sự lây truyền HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng nếu người bệnh tuân thủ điều trị ARV tốt để đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202001/tang-ty-le-nguoi-nhiem-hiv-tuan-thu-dieu-tri-arv-888479/