Tang vật đang chờ xử lý 'biến mất': Bất ngờ kết quả xác minh

Trong báo cáo kết quả xác minh vụ việc tang vật đang chờ xử lý thì 'biến mất', chính quyền địa phương không đề cập đến việc khai thác đá trái phép.

Ngày 19-2, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Gia Lai cho biết đã nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý theo thông tin phản ánh về hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép tại xã Ia Drang, huyện Chư Prông. Đây là kết quả kiểm tra vụ việc "Tang vật đang chờ xử lý thì... "biến mất" mà Báo Người Lao Động phản ánh.

Trước đó, ngày 5-1, UBND xã Ia Drang có văn bản nêu rõ hộ ông Phạm Văn Thủy (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drang) trong quá trình múc ao đã phát hiện đá và đưa lên trên khoảng 300 cục đá Bazan, đường kính trên 0,5-1m (ước tính từ 150-170m3). UBND xã Ia Drang đã đề nghị dừng việc múc ao, cấm vận chuyển đá ra khỏi vị trí.

Khoảng 150-170m3 đá đã được phát hiện tại hiện trường

Đến ngày 16-1, UBND xã Ia Drang có thông báo yêu cầu ông Phạm Văn Thủy san lấp trả lại mặt bằng nguyên trạng như ban đầu chưa cải tạo, không được tự tiện khai thác khi chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Báo cáo gửi Sở TN-MT do ông Phạm Vũ Tú, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Prông, ký vào ngày 30-1, nội dung cho biết UBND xã Ia Drang đã kiểm tra thực tế việc khắc phục của gia đình ông Phạm Văn Thủy. Theo đó, hiện trạng khu vực đã được san gạt trả lại hiện trạng ban đầu. Hộ gia đình ông Thủy cam kết không vận chuyển đá đi nơi khác, đã tiến hành lấp toàn bộ số đá đã phát sinh trong quá trình đào ao. Do đó, việc phản ánh tang vật "biến mất" là không có cơ sở.

Theo ông Phạm Văn Thủy, khoảng 2 tháng qua đều có người đến khai thác đá rồi chở đi ngay

Việc khai thác đá chủ yếu diễn ra vào ban đêm

Thực tế, phóng viên ghi nhận trong nhiều ngày tại khu đất nhà ông Phạm Văn Thủy đều có người, phương tiện đến khai thác đá.

Trong vai người tìm mua đá về xây nhà, phóng viên được ông Phạm Văn Thủy cho biết cách đây khoảng 2 tháng, ông có thuê người để múc ao lấy nước tưới. Trong quá trình cải tạo ao thì gặp phải đá lớn. Sau đó, một người đàn ông thường gọi tên T.P đến đặt vấn đề để khai thác số đá này. Hàng ngày, cứ chiều tối là có người đến khai thác đá, đến giờ đi ngủ của người dân thì nghỉ, vận chuyển đá đi ngay.

"Tôi chỉ cần múc ao lấy nước tưới. Còn đá thì do người đàn ông kia khai thác và lấy đi. Hiện tại không khai thác đá từ dưới lên nữa, chỉ đập những cục đá thành viên rồi vận chuyển đi ngay trong đêm" - ông Thủy nói.

Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì mà trong các văn bản của UBND xã Ia Drang và UBND huyện Chư Prông chỉ đề cập đến việc ông Thủy đào ao phát hiện đá mà không đề cập đến việc khai thác số đá trên.

Thực tế có việc khai thác đá trái phép nhưng chính quyền huyện Chư Prông không đề cập đến trong các báo cáo

Ngay từ khi phát hiện việc khai thác đá trái phép, số lượng lớn đá đang còn tại hiện trường, nhóm phóng viên đã nhiều lần liên hệ với chính quyền huyện Chư Prông để nắm thông tin cụ thể vụ việc nhưng không nhận được phản hồi.

Sau khi đi kiểm tra, Sở TN-MT Gia Lai đã liên tục có các văn bản đề nghị UBND huyện Chư Prông kiểm tra, xác minh và xử lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép tại địa phương trên.

Lấp hết lại là "chưa hợp lý"

Theo ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN-MT Gia Lai, huyện Chư Prông đã báo cáo việc hộ ông Phạm Văn Thủy trong quá trình đào ao đã phát hiện khoáng sản là đá xây dựng. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề tận thu nên huyện lúng túng trong xử lý. Về việc xử lý bằng cách "lấp hết lại" ông Bình cho rằng chưa hợp lý. "Nếu huyện gom lại, xác lập sở hữu toàn dân và bán đấu giá thì hợp lý hơn" – ông Bình nói.

Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-vat-dang-cho-xu-ly-bien-mat-bat-ngo-ket-qua-xac-minh-196240219102226371.htm