Tăng ý thức người dân, ngăn chặn nạn mua bán người từ cơ sở

Hôm nay 30/7 là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (MBN), TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch với những giải pháp để ngăn chặn vấn nạn nguy hiểm, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền con người.

55% nạn nhân mua bán người là bé gái vị thành niên

Tội phạm mua bán người (MBN) đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở quy mô phạm vi toàn cầu. Ước tính của Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc, mỗi năm lợi nhuận thu được từ MBN trên thế giới từ 30 – 40 tỷ đồng.

Do lợi nhuận khổng lồ đã khiến đường dây MBN mở rộng ra khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, ước tính trên thế giới có khoảng 2,5 triệu người là nạn nhân của MBN, trong đó 55% là bé gái vị thành niên, được ví như “những nô lệ thời hiện đại”. Nhiều phụ nữ và các bé gái bị buộc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục; nam giới phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, tiền lương rẻ mạt hoặc không được trả công.

 Đại sứ quán Anh, Bộ Công an và Hoa hậu Lương Thùy Linh cắt băng hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.

Đại sứ quán Anh, Bộ Công an và Hoa hậu Lương Thùy Linh cắt băng hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2004 – 2010 – khi thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em – đã phát hiện 2.105 vụ MBN với 3.781 đối tượng, lừa bán 4.924 nạn nhân. Từ năm 2010 đến 2019, toàn quốc xảy ra 3.066 vụ MBN, với 4.391 đối tượng, lừa bán 6.394 nạn nhân.

Tình hình tội phạm MBN diễn biến ngày càng phức tạp hơn, tính chất và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thường có tổ chức chặt chẽ và móc nối với người nước ngoài. Đáng chú ý, trong giai đoạn này đã phát hiện mua bán đàn ông, mua bán nội tạng, chiếm đoạt bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ con còn trong bào thai.

Ở các tỉnh phía Bắc nạn nhân bị mua bán tập trung ở các địa bàn biên giới giáp với Trung Quốc, buộc làm gái mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc làm vợ bất hợp pháp. Tại các tỉnh phía Nam, nạn nhân bị mua bán chủ yếu làm mại dâm tại các TP, thị xã và các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam. Các nước này còn là địa bàn trung chuyển để hoạt động MBN đi các nước xa hơn trong khu vực. Trong số các vụ án MBN đã phát hiện 90% là để đưa ra nước ngoài bán, trong đó sang Trung Quốc nhiều nhất (70%).

Nhận diện tội phạm mua bán người

Với chủ đề “Đừng đánh cược tương lai của bạn – di cư trái phép có thể khiến bạn trở thành nạn nhân mua bán người”, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức các buổi truyền thông hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống MBN 30/7. Bởi tình hình tội phạm MBN trên địa bàn Thủ đô vẫn có diễn biến phức tạp; chủ yếu tập trung vào nhóm nạn nhân nữ giới, độ tuổi từ 18 – 25.

Từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2020, Công an Hà Nội đã phát hiện, khám phá 51 vụ MBN, mua bán trẻ em, bắt giữ 106 đối tượng, với 110 nạn nhân; hiện đã khởi tố 51 vụ án, 102 bị can. “Mặc dù số vụ MBN phát hiện trên địa bàn TP không cao nhưng do là đầu mối của nhiều tuyến giao thông đi các tỉnh nên Hà Nội vẫn là nơi trung chuyển của các vụ MBN sang Trung Quốc và một số quốc gia khác” - Đội phó Đội 2, phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Khanh nhận định.

Công an Hà Nội dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm MBN vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và xảo quyệt. Vì đồng tiền, bọn tội phạm bất chấp tất cả với ngay cả những người thân của chúng; sẽ xuất hiện loại tội phạm hoạt động có tổ chức, các đối tượng sẽ đưa nhiều nạn nhân là phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài làm gái mại dâm, làm vợ đàn ông.

Cũng không loại trừ khả năng xuất hiện đối tượng buôn người để lấy nội tạng, đưa phụ nữ và trẻ em nước ngoài vào Việt Nam làm gái mại dâm. Vì thế, ông Đức Khanh cảnh báo: Các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi, nhà hộ sinh, các trung tâm bảo trợ xã hội cho nhận con nuôi, các công ty du lịch nước ngoài... là những địa bàn bọn tội phạm lợi dụng MBN và bán trẻ em, trẻ sơ sinh. Tội phạm lợi dụng sơ hở trong quản lý của các trung tâm bảo trợ xã hội để cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; lập hồ sơ trẻ bị bỏ rơi để hợp pháp hóa các cháu ra nước ngoài.

Để phòng ngừa đối với tội phạm MBN, rất cần các địa phương làm tốt tuyên truyền tới từng người dân những thủ đoạn MBN, nêu cao cảnh giác để phòng ngừa. Đặc biệt, đối với phụ nữ trẻ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, tiếp xúc với các nam thanh niên mới quen biết trực tiếp hoặc qua mạng xã hội ảo vì rất dễ bị đối tượng lợi dụng, lừa gạt.

Mọi người dân khi phát hiện các biểu hiện nghi vấn hoặc hành vi MBN, cần kịp thời tố giác với cơ quan Công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý, qua số điện thoại 069.219.62.42 hoặc 069.219.6153 (số 7 Thiền Quang, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhiều hoạt động đẩy lùi tội phạm mua bán người

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND triển khai “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2020” với các nội dung: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Bên cạnh đó, thực hiện tổ chức giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP giao Công an Hà Nội đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và tập trung lực lượng phát hiện, điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm, truy bắt đối tượng, tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị MBN...

Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward: Anh phối hợp chặt với Việt Nam ngăn chặn thảm kịch

Một số người Việt Nam tin vào những lời hứa có cánh từ các đối tượng MBN và trả cho chúng một khoản tiền lớn để nhập cư trái phép vào Vương quốc Anh với niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn và thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, sự thật là họ có thể phải lao động trong môi trường khắc nghiệt, mang nợ, bị ép làm những việc phạm pháp, thậm chí mất mạng trên đường đi trước khi tới nước Anh. Vụ việc 39 người Việt Nam thiệt mạng tại Essex (Anh) là một thảm kịch nhắc nhở chúng ta về những rủi ro từ nạn di cư trái phép. Chính phủ Anh mong phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng: Hỗ trợ cho phụ nữ vay vốn, tạo việc làm

Xã Đông Quang nằm gần trung tâm của huyện Ba Vì, có đường quốc lộ 32 chạy qua; là điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động MBN. Để chung tay ngăn chặn tội phạm MBN, UBND xã Đông Quang sẽ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin kịp thời tình hình, phương thức hoạt động, thủ đoạn, nhận diện tội phạm MBN.

UBND xã phối hợp với Hội LHPN, Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức các diễn đàn, buổi nói chuyện với phụ nữ, thanh niên, học sinh về phòng chống MBN, bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội và cảnh giác với những mối quan hệ trên mạng. Công an xã nắm bắt và phát hiện sớm những phụ nữ và trẻ em vắng mặt ở địa phương nghi ngờ bị mua bán ra nước ngoài. UBND xã làm tốt công tác hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tang-y-thuc-nguoi-dan-ngan-chan-nan-mua-ban-nguoi-tu-co-so-391481.html