Tạo bệ phóng vững chắc đổi mới giáo dục

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tác động lớn đến hoạt động quản lý, phương thức tổ chức dạy và học. Nhiệm vụ nặng nề đang đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên, cơ sở giáo dục, làm sao tạo dựng được bệ phóng vững chắc hướng tới mục tiêu cao nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nâng cao chất lượng đội ngũ là khâu đột phá

Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào chất lượng nền giáo dục, mà chất lượng nền giáo dục được quyết định phần lớn bởi chất lượng đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục. Do vậy, một khâu đột phá của công cuộc đổi mới giáo dục là nâng cao chất lượng đội ngũ. Giáo viên được coi là yếu tố then chốt và là nhân tố quan trọng quyết định thành công khi triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Người thực thi các chính sách, chủ trương, kế hoạch và chương trình đổi mới giáo dục chính là đội ngũ cán bộ nhà giáo. Ở đây, có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, muốn đổi mới thì phải có đủ lực lượng giáo viên; Thứ hai, khi có đủ giáo viên thì họ phải có đủ năng lực, phẩm chất để thực thi nhiệm vụ đổi mới.

Hiện cả nước có gần 1,5 triệu cán bộ nhà giáo, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chiếm khoảng 10%. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa như tiến trình đang thực hiện, nhìn chung, vấn đề đội ngũ còn không ít bất cập, từ chất lượng, số lượng đến cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở giáo dục còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý giáo dục trong bối cảnh mới...

Từ góc độ của một cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục, tôi chỉ ra một số nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Một là, quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013, về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; triển khai có hiệu quả Quyết định số 33/QĐ-TTg, ngày 8.1.2019, “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”.

Hai là, phối hợp hiệu quả hoạt động bồi dưỡng với các dự án, chương trình như Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016 và Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18.1.2019 về “Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”…

Ba là, tập trung bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Bồi dưỡng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng mới; khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học; năng lực quản lý, quản trị hiện đại cho cán bộ quản lý ở các cấp học; phương pháp biên soạn chương trình, tài liệu, đề cương bài giảng theo đào tạo tín chỉ, quy chuẩn kiểm định chất lượng, xây dựng và triển khai chuẩn chương trình đào tạo tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế…

Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động bồi dưỡng, quản lý. Điểm mới trong công tác bồi dưỡng hiện nay vận hành mô hình bồi dưỡng mới, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Cụ thể là bồi dưỡng đội ngũ cốt cán theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến bởi các giảng viên của các cơ sở đào tạo giáo viên. Đội ngũ này hỗ trợ giáo viên đại trà ngay tại chỗ, trong công việc, giáo viên tự học qua mạng, trên các hệ thống bồi dưỡng trực tuyến.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Đào Công Lợi: Phân cấp quản lý đủ mạnh

Thời gian qua, các nghị định quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý chưa thực sự thống nhất, đồng bộ.

Thứ nhất, phân cấp quản lý giáo dục là phân cấp ngang, UBND cấp huyện quản lý toàn bộ từ mầm non, tiểu học đến THCS, còn Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý các trường THPT. Trong khi đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh lại thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc phân cấp ngang, cắt đoạn, tạo nên bất cập giữa trách nhiệm và hiệu quả quản lý. Thực tế, Chủ tịch UBND huyện quản lý trực tiếp, toàn diện từ mầm non, tiểu học đến THCS nhưng không phải chịu trách nhiệm về chất lượng, còn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý cấp THPT lại phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên toàn tỉnh.

Thứ hai, trách nhiệm quản lý chất lượng không đi liền với điều kiện bảo đảm. Để có chất lượng giáo dục cần 3 yếu tố: Chuyên môn (chương trình, tổ chức dạy học...), nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên), điều kiện bảo đảm (kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất...). Hiện nay, các yếu tố này đang bị quản lý phân tán, thiếu thống nhất. Nhân lực do ngành nội vụ quản lý; kinh phí do ngành tài chính quản lý; cơ sở vật chất trường học do UBND các địa phương quản lý, ngành giáo dục chỉ được quản lý về chuyên môn. Hệ quả là ngành giáo dục không có sự đồng bộ, tập trung, không có đủ quyền lực để đạt được mục tiêu chất lượng.

Để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên có vai trò quyết định. Nếu được giao quản lý trực tiếp đội ngũ, ngành giáo dục sẽ bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, số lượng và đặc biệt là cơ cấu giáo viên các bộ môn ở các cấp học, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các trường. Theo phân cấp như hiện nay, UBND cấp huyện chỉ mới chú trọng đến số lượng, chưa chú trọng đến cơ cấu hợp lý các môn học trong tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên, dẫn đến thừa - thiếu giáo viên cục bộ.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Gia Lâm, Hà Nội Nguyễn Quý Xuân: Kỳ vọng tạo đột phá về phân luồng, hướng nghiệp

Năm học này sẽ bắt đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10. Đây là lớp đánh dấu bước chuyển quan trọng đối với học sinh, hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp. Để triển khai chương trình lớp 10, Trường THPT Phúc Lợi đã có sự chuẩn bị sớm về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng các tổ hợp môn, phân phối chương trình năm học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu về việc lựa chọn nghề nghiệp. Cùng với đó, các tổ hợp môn cũng được tính toán phương án có lợi cho học sinh trong tuyển sinh vào đại học sau này.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Phúc Lợi xây dựng 8 tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề với 16 lớp 10. Ngay trước khi học sinh lớp 10 nhập học, nhà trường đã thông báo mời phụ huynh và học sinh trúng tuyển tham dự tọa đàm trao đổi về lựa chọn tổ hợp môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi, tình huống xuất hiện … đã được nhà trường nắm bắt để từ đó điều chỉnh tổ hợp các môn học lựa chọn phù hợp hơn với học sinh. Tuy chưa thể đạt được 100% thỏa mãn nguyện vọng, nhưng đa số học sinh có thể lựa chọn được tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề phù hợp với nguyện vọng của mình nhất.

Việc xây dựng chương trình lớp 10 theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi ngày một mạnh mẽ, áp lực cạnh tranh tương lai cũng ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, để tạo đột phá về việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, nhà trường mong muốn: Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về kiểm tra đánh giá trong môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới để tạo sự đồng nhất về kiểm tra đánh giá trong các nhà trường trên toàn quốc. Chính sự thống nhất về kiểm tra, đánh giá này cũng giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo có cái nhìn toàn diện về kết quả giáo dục của mỗi địa phương. Thứ hai, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sớm xây dựng và công bố rõ ràng đề án tuyển sinh phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để các em học sinh có đủ thời gian cân nhắc, chủ động lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn. Cuối cùng, việc chọn các môn học lựa chọn hiện tại chưa thể đáp ứng 100% nguyện vọng của các em học sinh, nguyên nhân do còn thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất…Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm chủ động đào tạo nguồn nhân lực và phối hợp với các địa phương hoàn thiện, bổ sung cơ sở vật chất để Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đầy đủ hơn trong các nhà trường.

Khải Minh - Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/tao-be-phong-vung-chac-doi-moi-giao-duc-i299795/