Tạo bước đột phá trong cơ chế một cửa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Sáng 24/7, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Hội nghị toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” có mối quan hệ rất chặt chẽ đối với các hội nghị quan trọng khác

Theo Điều 4, Luật Hải quan năm 2014, Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp.

Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

Cơ chế một cửa quốc gia triển khai từ tháng 11/2014, tới nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia.

Theo khuyến nghị của các tổ chức có uy tín hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thương mại trên thế giới, Cơ chế một cửa quốc gia trước hết là một công cụ hữu hiệu để kết nối các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại và vận tải quốc tế.

Sau nữa, Cơ chế một cửa quốc gia cũng được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong thuận lợi hóa thương mại, đảm bảo khả năng hội nhập cho doanh nghiệp cũng như cho các chính phủ vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng là để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN nhằm kết nối các quốc gia thành viên đảm bảo giao lưu hàng hóa trong khu vực trên nền tảng một thị trường chung theo đúng tinh thần Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Quy trình thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN

Khi thực hiện thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có giấy phép trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp thực hiện theo quy trình sau:
- Bước 1: Doanh nghiệp gửi đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép dưới dạng điện tử đến cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.
- Bước 2: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép đến hệ thống cấp phép của các Bộ, Ngành.
- Bước 3: Các Bộ, Ngành xử lý hồ sơ xin cấp phép và chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.
- Bước 4: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về cho doanh nghiệp đồng thời gửi tới hệ thống của hải quan.

Cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và tích hợp với nhau.

Từ năm 2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Doanh nghiệp đã giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Theo đó, Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử.

Cơ chế hải quan một cửa cũng góp phần tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng.

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã tổ chức nhiều Hội nghị quốc gia như Hội nghị toàn quốc về logistics, Hội nghị toàn quốc về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, các Hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4,…

Các Hội nghị nêu trên đều có mẫu số chung là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính để nâng cao chất lượng dịch vụ công, tìm kiếm giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải và thương mại; phục vụ tốt hơn, thực chất hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Hội nghị toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” có mối quan hệ rất chặt chẽ đối với các hội nghị quan trọng nêu trên.

Kết quả của Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam theo các Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hội nghĩ cũng sẽ là tiền để để hoàn thành các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018.

Mô hình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN
Cổng thông tin một cửa quốc gia là nơi tiếp nhận và phản hồi các thông tin từ các Bộ, ngành và các bên có liên quan như sau:
- Các Bộ, ngành tham gia vào quá trình cấp phép đối với các hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh.
- Cơ quan Hải quan.
- Người vận tải, đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận.
- Ngân hàng, bảo hiểm.
- Doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan.
- Các bên liên quan khác.
Trên cơ sở đó, Cổng thông tin một cửa quốc gia kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN và các đối tác thương mại khác của Việt Nam.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tao-buoc-dot-pha-trong-co-che-mot-cua-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-d85215.html