Tạo chuyển biến mạnh trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Ngày 23/8, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tại hội nghị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Việc triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được thực hiện quyết liệt, thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, 100% Chủ tịch UBND xã làm thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện. Đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là việc giảm tỷ lệ nợ quá hạn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư quyết liệt hơn nữa; phải có sự quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh và các phòng giao dịch.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách tại tỉnh Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời là một công cụ tài chính của Nhà nước, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Toàn tỉnh đã có trên 120.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, với tổng doanh số cho vay trên 2.300 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 1.300 tỷ đồng, giúp trên 57.000 lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 14.300 lao động; 227 lao động đi làm việc có thời hạn; trên 11.400 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 35.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; giúp xây dựng trên 6.700 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách; gần 2.000 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương là trên 63 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW. Đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng trên 727 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư. Tổng dư nợ đạt hơn 1.956 tỷ đồng, tăng trên 674 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, với gần 89.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo và các gia đình chính sách khác có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi và kịp thời.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam cho rằng: Thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết tâm, quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; cán bộ tín dụng, các hội đoàn thể chưa bám sát địa bàn.

Đồng chí Lê Thị Ái Nam đề nghị thời gian tới các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; đặc biệt phải đôn đốc kiểm tra, thu nợ trong cán bộ, đảng viên. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải là Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng điểm giao dịch tại xã.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Phải tiếp tục củng cố, nâng cao các tổ tiết kiệm, vay vốn; các đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao ý thức người nghèo trong việc thực hiện trách nhiệm trả nợ, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại việc khoanh nợ, xóa nợ.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho 30 tập thể, cá nhân và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng giấy khen cho 7 cá nhân, tập thể vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Nhật Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/tao-chuyen-bien-manh-trong-viec-nang-cao-chat-luong-tin-dung-chinh-sach-20190823221544398.htm