Tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về 'Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020', với quyết tâm chính trị cao, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã đạt những thành tựu to lớn, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, song vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Ðể hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đề ra, ngoài sự nỗ lực của thành phố, cần có thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô phát triển nhanh hơn, xứng với vai trò là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, là Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) của thành phố Hà Nội tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, 5 năm qua, thành phố đạt nhiều thành tích trên các mặt công tác. Nổi bật là kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,57%, vượt 2,56% so mức tăng bình quân của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt. Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tích đáng ghi nhận, dự kiến cuối năm nay có 73,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường được chú trọng. Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, xanh, sạch, đẹp hơn. Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ có nhiều tiến bộ. Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người, với nhiều thành tích cao trong các lĩnh vực nêu trên, nhất là về chất lượng giáo dục - đào tạo.

Ðảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của Ðảng với nhiều biện pháp, cách làm chủ động, sáng tạo. Thành phố triển khai nghiêm túc, bài bản Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở.

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố còn có nhiều chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt kế hoạch, đó là tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ lao động qua đào tạo và nhà ở đô thị bình quân đầu người. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu. Văn hóa - xã hội phát triển chưa tương xứng và ngang tầm với vị thế, vai trò của Thủ đô. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn.

Ngoài những nguyên nhân do năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hiệu quả giải quyết công việc của một số cấp, ngành chưa quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo, thì còn nguyên nhân do vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo rào cản trong quá trình phát triển của Thủ đô. Ðơn cử như Luật Thủ đô ban hành tháng 11-2012, có hiệu lực từ tháng 7-2013, nhằm tạo hành lang pháp lý giải quyết những bất cập, nhưng đến nay, một số nội dung quan trọng quy định chi tiết các điều luật chưa được ban hành, gây khó khăn trong triển khai. Một vấn đề nữa mà thành phố đang vướng mắc, đó là nhu cầu đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị của Hà Nội rất lớn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách có hạn, do vậy, thành phố phải huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác này.

Phát biểu tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 20-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả mà thành phố đạt được trong 5 năm qua, đồng thời yêu cầu Hà Nội làm tốt bốn vấn đề. Thứ nhất, thành phố đổi mới, hội nhập, hiện đại hóa, nhưng không được quên bản sắc thanh lịch, văn minh, mà càng phải làm cho các bản sắc ấy đậm nét hơn, làm cho Hà Nội xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội cần coi trọng công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng một xã hội kỷ cương, nền nếp. Cần làm tốt công tác quản lý dân cư, đất đai, đô thị, nhất là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Thứ ba, Hà Nội cần chú ý làm thật tốt công tác đối ngoại, không chỉ cho Hà Nội mà là cho cả nước.

Thứ tư, là công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nêu rõ, Ðảng bộ Hà Nội là một trong những đảng bộ lớn của cả nước, có số lượng đảng viên đông do vậy, phải gương mẫu đi đầu trên tất cả các mặt, xây dựng Ðảng bộ Hà Nội thành đảng bộ tiêu biểu, kỷ luật nghiêm minh. Tổng Bí thư đề nghị, Ðảng bộ Hà Nội tập trung thu hút mọi nguồn lực, tinh hoa của cả nước, của quốc tế để xây dựng Thủ đô văn hiến, thanh lịch, hòa bình.

Ðối với các kiến nghị, đề xuất của Hà Nội, Bộ Chính trị đồng ý cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô… đồng thời, sẽ ban hành kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11, để xây dựng Hà Nội thật sự là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, là Thủ đô ngàn năm văn hiến.

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34487902-tao-co-che-dac-thu-de-thu-do-phat-trien-nhanh-ben-vung.html