Tạo cơ chế để Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh

Sau chín năm triển khai, Luật Thủ đô với các chính sách đặc thù đã giúp thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển. Để Luật thật sự đi vào cuộc sống, phát huy được các thế mạnh, tiềm năng, vị thế của Thủ đô, thành phố Hà Nội đã đề xuất chín chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội.

Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)

Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô được Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 21/11/2022, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Sau chín năm thi hành, việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Hà Nội đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đáng chú ý, các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trong những năm qua, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng chung của cả nước. GRDP bình quân 2016-2020 tăng 6,73%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước đạt 5,99%). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, bình quân trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đóng góp hơn 16% GDP, 18,5% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung của Luật Thủ đô còn chậm được ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời thực hiện thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ: tiến độ di dời rất chậm. Quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, doanh nghiệp chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô.

Theo kế hoạch, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2023 và xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 5/2024. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất chín chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới. Các quan điểm, định hướng, nội dung này đã được báo cáo, xin ý kiến tại hai hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội đề xuất tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô. Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô. Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô. Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững. Cuối cùng là liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp bắt tay ngay việc soạn thảo luật, trọng tâm là các điều khoản quy định về các cơ chế đặc thù cho Thủ đô, bảo đảm đó là các cơ chế thật sự cần cho sự phát triển của Thủ đô và có thể thực hiện được trên thực tế. Thành phố mong muốn trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục quan tâm, để Hà Nội khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển, trở thành đầu tàu của Vùng Thủ đô, của Vùng đồng bằng sông Hồng, xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

ĐÀ ĐÔNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-co-che-de-thu-do-phat-huy-tiem-nang-the-manh-post726697.html