Tạo cơ chế gắn kết 'bốn nhà'

TP Hồ Chí Minh đang huy động mọi nguồn lực để theo kịp 'đoàn tàu' của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nguồn lực về khoa học công nghệ đặc biệt được chú trọng. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ cơ chế, chính sách cũng như làm cầu nối để doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư tài chính 'bắt tay' nhau.

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng làm cầu nối để doanh nghiệp hợp tác với các viện, trường trong ứng dụng khoa học, công nghệ.

Hợp tác còn hạn chế

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngành sản xuất nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí - điện, việc đổi mới công nghệ là tất yếu và sống còn của doanh nghiệp. Dù muốn hay không, dù có nguồn lực dồi dào hay còn hạn chế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này buộc phải cập nhật và đổi mới công nghệ hằng quý, hằng năm. Cũng theo ông Sơn, hiện các doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện đang phải “tự bơi” để đổi mới công nghệ bằng nhiều cách như: Tự xây dựng hệ thống “nghiên cứu và phát triển” (R&D) riêng; mua công nghệ nước ngoài với giá cao; nhận chuyển giao từ các công ty trong nước; hợp tác với chuyên gia, nhà khoa học; liên hệ hợp tác với viện, trường…

Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi các viện, trường là nơi nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với giá rẻ và cạnh tranh thì tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với các viện, trường khá khiêm tốn (khoảng 5%). Điều này chưa tương xứng với tiềm năng hiện nay khi TP Hồ Chí Minh vốn được xem là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ của cả nước. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong Cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố sáng tạo, R&D quyết định cho sự thành công và phát triển của doanh nghiệp. Thế nhưng, rất ít doanh nghiệp Việt Nam ý thức được điều này. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không đặt niềm tin vào các viện, trường; trong khi các viện, trường chưa thật sự “thấu hiểu” doanh nghiệp cần gì để nghiên cứu, cung cấp sản phẩm công nghệ.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm qua thành phố luôn là địa phương đi đầu trong hỗ trợ cho các viện, trường, doanh nghiệp để nghiên cứu, tạo ra sản phẩm khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, từ sản phẩm được nghiên cứu chế tạo trong phòng thí nghiệm đến sản phẩm thương mại được doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất còn khoảng cách khá xa. Vướng mắc lớn nhất là... sự “gặp nhau” giữa viện, trường và doanh nghiệp.

Định hình “tứ giác sáng tạo”

Tại TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng khoa học và doanh nghiệp. Điển hình là chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu với chi phí thấp. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm để chế tạo thiết bị trong nước với chi phí chỉ bằng 30-70% thiết bị nhập khẩu nhưng bảo đảm chất lượng tương đương. Từ chương trình này đã hình thành tam giác liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Tuy vậy, thành công của chương trình vẫn còn hạn chế và chưa có sự gắn kết bền chặt.

Theo ông Kiều Huỳnh Sơn, phía doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, tạo kênh kết nối với viện, trường. Về phía viện, trường, hãy coi doanh nghiệp là đối tượng nghiên cứu, sau đó là khách hàng và cuối cùng là đối tác đồng hành. Còn về phía Nhà nước, đưa ra chủ trương, xây dựng chương trình hoặc quỹ hỗ trợ rủi ro trong việc đặt hàng nghiên cứu của doanh nghiệp với viện, trường hoặc các nhà khoa học.

Tại buổi tọa đàm mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải định hình một “tứ giác sáng tạo” để theo kịp “đoàn tàu” của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là mối quan hệ gắn kết giữa “bốn nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng công nghiệp đa ngành với đặc điểm là đòi hỏi có sự liên kết. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Nhà nước đề ra cơ chế, chính sách; nhà đầu tư tài chính có vốn; các viện, trường có chất xám phải cùng nhau hỗ trợ doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ tiêu dùng và phát triển kinh tế.

Về vai trò của Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn dành 2% tổng chi ngân sách hằng năm để đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ. Con số này vẫn rất nhỏ so với nhu cầu đầu tư khoa học, công nghệ để phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Chính vì vậy, cần có sự tham gia của xã hội, đó là các nhà đầu tư. Bù lại, Nhà nước sẽ tạo ra cơ chế, chính sách, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý để doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính gắn kết với nhau. Người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, thành phố sẵn sàng làm cầu nối để 156 viện, trường đại học, 141 tổ chức khoa học công nghệ đóng trên địa bàn “bắt tay” với doanh nghiệp.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/919363/tao-co-che-gan-ket-bon-nha