Tạo cú huých cho trường phổ thông dân tộc nội trú

Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Trong những năm qua, hệ thống các trường PTDTNT đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Trong những năm qua, hệ thống các trường PTDTNT đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), năm học 2018-2019, toàn quốc có tổng số 316 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành phố với 109.245 học sinh nội trú. Hệ thống trường PTDTNT đã và đang phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS. Ngoài việc dạy học văn hóa, các trường còn tổ chức các hoạt động như nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực. Nhiều trường tổ chức các hoạt động lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để hình thành cho học sinh kỹ năng lao động, tạo dựng tinh thần, thái độ, tôn trọng lao động. Cô giáo Lê Thị Bạch, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: Với đặc thù hơn 98% học sinh là người DTTS, trường đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với thực tế và đối tượng học sinh DTTS. Thí dụ lồng ghép kiến thức về môi trường vào các môn Sinh học, Ðịa lý; liên hệ về việc chặt phá rừng làm nương rẫy ở địa phương để giúp học sinh hiểu được về tác hại của chặt phá rừng, có ý thức trách nhiệm tuyên truyền, bảo vệ rừng. Ngoài ra, các thầy giáo, cô giáo tổ chức các hoạt động theo nhóm để học sinh chủ động tìm tòi, phát hiện kiến thức, diễn thuyết sản phẩm của mình, những khó khăn vướng mắc được giải đáp kịp thời.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống trường PTDTNT cũng gặp phải những hạn chế, bất cập như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn thiếu, chưa đồng bộ; một số chính sách, chế độ đối với trường PTDTNT chưa phù hợp, thiếu một số chế độ, chính sách đặc thù cần thiết... Phó Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị T78 (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc cơ bản ít được đầu tư, nâng cấp cho nên đều đã cũ, xuống cấp. Công tác quản lý, chỉ đạo của trường gặp khó khăn do các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Bộ GD và ÐT dành riêng cho các trường PTDTNT còn thiếu. Ðại diện Sở GD và ÐT Trà Vinh chia sẻ: Mục tiêu của trường PTDTNT là thành lập cho con em DTTS, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, số lượng xã, ấp có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh hiện nay rất ít, trong khi các DTTS đông, nhu cầu được học tập trong các trường PTDTNT lớn dẫn đến những bất cập trong phát triển trường PTDTNT.

Ðể thực hiện hiệu quả mô hình trường PTDTNT, nhiều địa phương đã có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Ðắk Nông Nguyễn Văn Toàn cho biết: Các cấp chính quyền trong tỉnh ưu tiên đầu tư ngân sách địa phương để xây dựng thêm các phòng học kiên cố, phòng học bộ môn, thư viện, khu nội trú gắn với đầu tư các công trình phụ như nhà ăn, nhà bếp… Bên cạnh đó, toàn ngành giáo dục xây dựng và thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và chuẩn hóa về chất lượng đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô vừa nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục. Thí dụ, tỉnh Kiên Giang khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương cho các trường PTDTNT. Ngoài ra, toàn tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm việc tổ chức các hoạt động, giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn.

Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD và ÐT) Lê Như Xuyên, Bộ đã phối hợp Ủy ban Dân tộc để xây dựng Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi trình Quốc hội, trong đó có những hoạt động, giải pháp về việc tích hợp chính sách dân tộc phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS, miền núi... Ngoài ra, Bộ GD và ÐT sẽ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan để phù hợp giai đoạn mới. Nhất là xây dựng cơ chế tự chủ đối với cơ sở mầm non, phổ thông, trong đó có sự tham gia tự chủ của các trường PTDTNT. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào DTTS về chính sách và chủ trương của Ðảng, Nhà nước. Bộ GD và ÐT sẽ lựa chọn một số sách giáo khoa lớp 1 về các môn tự nhiên, xã hội để dịch song ngữ sang tám thứ tiếng DTTS, nhằm nâng cao chất lượng và giúp phụ huynh có thể tham gia hỗ trợ giáo dục con em mình. Ðồng thời sẽ khảo sát và đưa ra tiêu chí đối tượng trường học và học sinh vùng khó khăn, trong đó có học sinh của các trường PTDTNT, phổ thông dân tộc bán trú được cung cấp sách giáo khoa miễn phí theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

QUỲNH NGUYỄN và NGUYÊN KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/42212002-tao-cu-huych-cho-truong-pho-thong-dan-toc-noi-tru.html