Tạo đà cho cơ khí

'Trên nền tảng 21.000 doanh nghiệp cơ khí và định hướng chiến lược mà Chính phủ đưa ra, chúng ta sẽ xây dựng ngành cơ khí Việt Nam phát triển'.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” mới đây.

Chính sách hỗ trợ cho phát triển ngành cơ khí còn thiếu và chưa đổi mới.

Chính sách hỗ trợ cho phát triển ngành cơ khí còn thiếu và chưa đổi mới.

21.000 doanh nghiệp - “đà” để phát triển cơ khí Việt Nam

Theo Thủ tướng, đã có một thời, ngành cơ khí của nước ta có tầm cỡ, từng xuất khẩu máy móc, công cụ ra nước ngoài. Điều đó cho thấy, năng lực của người Việt Nam hoàn toàn phát triển được ngành cơ khí. Song do chúng ta chưa thực sự coi trọng khiến ngành này không phát triển được.

Với 21.000 doanh nghiệp ngành cơ khí hiện nay, Thủ tướng đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng và vươn mình phát triển tốt, đã chế tạo được các sản phẩm phức tạp như giàn khoan, phụ tùng lắp ráp ô tô, thiết bị điện, y tế, thiết bị nông nghiệp... Đây là “đà” quan trọng để phát triển cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số yếu kém của ngành cơ khí, như mẫu mã, công nghệ, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với thị trường 100 triệu dân và còn bỏ lỡ thời cơ trong hội nhập. Nhiều sản phẩm năng lực thấp, giá thành cao; nhân lực lĩnh vực cơ khí còn thiếu và yếu. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng, cho phát triển của ngành còn chậm và chưa đổi mới.

“Yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải nhận thức rõ các thách thức này” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, phải có chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phát triển.

Theo Thủ tướng, Việt Nam cũng cần có biện pháp “đi tắt, đón đầu”, phát huy lợi thế người đi sau trong phát triển công nghiệp cơ khí; tính hiệu quả, tinh sảo, hiện đại trong một số lĩnh vực là thế mạnh như cơ khí ô tô, cơ khí nông nghiệp, lắp ráp... phải được đặt ra.

Cần chính sách “mềm dẻo” hỗ trợ thị trường

Cũng chia sẻ tại tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam”, Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành cơ khí đều đề nghị Chính phủ cần thiết kế các chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn cho ngành cơ khí; có chính sách khuyến khích nội địa hóa để các lĩnh vực sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước, vừa giảm chi phí, vừa tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí.

Ông Nguyễn Chí Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam liên hệ, nếu không có biện pháp bảo vệ thị trường một cách mềm dẻo thì các ngành công nghiệp của Mỹ đến thời điểm này chắc cũng đã bị đóng cửa, ngành thép của châu Âu cũng tự tuyên bố phá sản. “Và Việt Nam cũng như vậy, không thể nói chúng ta tham gia WTO mà không bảo hộ thị trường trong nước” – ông Sáng nhấn mạnh.

Còn ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị, Chính phủ nên ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để đầu tư máy móc nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp… Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực thông qua việc đào tạo nhân lực, tuyển dụng.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tao-da-cho-co-khi-158437.html