Tạo đà trí tuệ cho một kỷ nguyên mới của cởi mở và lợi ích sẻ chia

Với chủ đề 'Tạo đà trí tuệ cho một kỷ nguyên mới của cởi mở và lợi ích sẻ chia', Hội nghị Robot thế giới giới thiệu nhiều công nghệ hiện đại hữu ích khác giúp thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ.

Khách tham quan chiêm ngưỡng các sản phẩm được trừng bày. Ảnh: reuters

Khách tham quan chiêm ngưỡng các sản phẩm được trừng bày. Ảnh: reuters

Hội nghị Robot thế giới (World Robot Conference) diễn ra ở Trung Quốc từ ngày 15-19/8 được xem là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp robot toàn cầu, khi mà sức mạnh và tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng gắn chặt với sự phát triển của thế giới hiện đại và toàn cầu hóa không ngừng.

Sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giới thiệu những công nghệ hiện đại có khả năng thay đổi cuộc sống của nhân loại, đồng thời cũng là một dịp để đánh giá những bước tiến mới nhất của xu thế tự động hóa cũng như cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu.

Kể từ năm 2015, Hội nghị Robot thế giới là cơ hội để các công ty và cá nhân trưng bày và giới thiệu những sản phẩm cũng như công nghệ có tiềm năng thay đổi thế giới loài người. Tại những kỳ tổ chức trước, người yêu công nghệ đã được chứng kiến nhiều sáng tạo trong ngành robot toàn cầu, từ những ứng dụng đời thường như robot bán kem hay robot làm bạn với trẻ nhỏ cho tới những phát kiến mang tầm mở ra kỷ nguyên mới cho khoa học hiện đại như công nghệ điều khiển máy bay không người lái bằng suy nghĩ của con người hay “robot nữ thần” có ngoại hình giống hệt người thật và khả năng giao tiếp trôi chảy.

Với chủ đề “Tạo đà trí tuệ cho một kỷ nguyên mới của cởi mở và lợi ích sẻ chia”, Hội nghị Robot thế giới 2018 giới thiệu đến người dùng nhiều công nghệ hiện đại hữu ích khác giúp thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp trên toàn thế giới.

Quy tụ 12.000 nhóm chuyên gia từ hơn 10 quốc gia và khu vực, hội nghị năm nay sẽ tập trung đánh giá tác động của cuộc cách mạng robot đối với phát triển xã hội trong tương lai, hướng tới thúc đẩy một tương lai nơi các quốc gia ở mọi trình độ phát triển, các tầng lớp trong xã hội hiện đại đều có thể hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ.

Khẩu hiệu trên phản ánh hướng đi và nỗ lực của Bắc Kinh nói riêng nhưng cũng là tâm lý của chung nhiều nền kinh tế thế giới trong việc bắt kịp và đón đầu xu thế tự động hóa và robot hóa, được dự báo sẽ thay đổi diện mạo của thị trường lao động và sản xuất toàn cầu trong thời gian tới, nhờ vào xung lực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư) đã khiến những khái niệm xa vời của thế kỷ trước như robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên gần gũi hơn bao giờ hết và trở thành động lực quan trọng của tiến trình tự động hóa và robot hóa, vốn từ lâu đã là một xu hướng nổi bật trong ngành sản xuất, giúp tăng năng suất và giảm chi phí.

Điểm khác biệt quan trọng giữa Cách mạng Công nghiệp 4.0 so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó là thế hệ máy tự động mới có thể đảm nhận không chỉ các công việc lặp đi lặp lại hay thủ công và còn cả các công việc đòi hỏi khả năng nhận thức, nhờ vào sự ứng dụng AI để tương tác với môi trường xung quanh và tự học hỏi từ kinh nghiệm.

Một báo cáo đặc biệt của Bank of America Merill Lynch, xuất bản tháng 11/2015, ước tính năng suất sản xuất có thể được cải thiện đến 30% nhờ vào kết quả của những cải tiến này. Và giá trị của thị trường robot toàn cầu sẽ tăng từ 26,9 tỷ USD hiện nay lên 66,9 tỷ USD vào năm 2025.

Ngày càng có nhiều minh chứng cho sự lan rộng của xu hướng robot hóa, tự động hóa. Robot góp phần đáng kể trong những bước tiến của nhiều ngành, từ y tế tới khai khoáng.

Theo Business Insider, 3 trong số 10 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất toàn cầu đang và sẽ thay thế các nhân công của mình bằng robot. Cụ thể Foxconn, tập toàn gia công chính cho Apple, Google và Amazon đã thay 60.000 nhân công bằng robot.

Tập đoàn bán lẻ Walmart, với 2,1 triệu nhân công, muốn thay thế những nhân viên kiểm hàng trong các kho bằng các máy bay không người lái.

Một lãnh đạo cấp cao của McDonald’s (công ty với 1,9 triệu nhân công) đã từng nói rằng, nếu lương tối thiểu ở Mỹ tăng, chuỗi cửa hàng ăn nhanh này sẽ dùng robot vì đầu tư một cánh tay robot trị giá 35.000 USD rẻ hơn trả lương 15 USD/giờ cho một người đóng gói khoai tây chiên.

Xét trên bình diện quốc gia, số liệu thống kê năm 2016 từ Liên đoàn Robot Quốc Tế (International Federation of Robotics) cho thấy tốc độ robot hóa trong lĩnh vực công nghiệp toàn cầu đang đạt đến ngưỡng cực nhanh. Mật độ robot cao nhất là tại Hàn Quốc.

Tính đến năm 2016, Hàn Quốc đã triển khai khoảng 631 robot công nghiệp trên mỗi 10.000 lao động, chủ yếu là các hệ thống lớn trong lĩnh vực điện tử và sản xuất chế tạo. Singapore xếp thứ hai với tỷ lệ 488 robot/10.0000 lao động, trong đó 90% hoạt động trong lĩnh vực điện tử.

Đức và Nhật Bản, hai nước nổi tiếng với ngành công nghiệp ô tô, cùng xếp vị trí thứ ba với mật độ hơn 300 robot/10.000 lao động. Chưa kể, Nhật Bản còn chiếm tới 52% nguồn cung robot toàn cầu.

Tại Mỹ, tốc độ tự động hóa công nghiệp dường như đang diễn ra chậm hơn với tỷ lệ 189 robot/10.000 lao động.

Trong khi đó, Trung Quốc dù chưa thể cạnh tranh với các cường quốc khi chỉ xếp thứ 14 về mật độ robot hóa song là một trong những nước ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất.

Trung Quốc cũng đang có tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tự động hóa. Mục tiêu của nước này cho đến năm 2020 là lọt vào top 10 quốc gia dẫn đầu và tiếp tục tăng trưởng.

Có thể nói, thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và tự động hóa là một chiến lược bản lề để các nước theo kịp với xu hướng thế giới, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới vẫn có nhiều thách thức cần phải đối mặt.

Trong một báo cáo của Citibank và Đại học Oxford vào tháng 1/2016 với tựa đề “Công nghệ - Việc làm v.2.0: Tương lai không như trước”, nhiều khả năng 77% việc làm ở Trung Quốc, 72% việc làm ở Thái Lan, và 69% việc làm ở Ấn Độ sẽ được tự động hóa và thay thế bằng robot.

Cũng theo báo cáo này, tự động hóa và sự phát triển của công nghệ in 3D sẽ tác động nhiều nhất đối với những nước có nhiều công xưởng với nhân công giá rẻ.

Cơn lốc robot hóa có thể phá vỡ thị trường lao động, khi robot với sự hỗ trợ của AI thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, không chỉ lao động chân tay mà cả những vị trí trong văn phòng.

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưưĩng, những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội không vững chắc sẽ chịu tác động lớn khi hàng triệu lao động trên thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp, từ đó kéo theo những bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng các dự đoán về việc robot “cướp” công ăn việc làm của con người là phóng đại.

Nhiều công việc cần đến sự pha trộn của nhiều kỹ năng, tính sáng tạo và linh hoạt sẽ không dễ dàng có đất cho tự động hóa khi đòi hỏi đến một kiểu chuyên môn không thể dễ dàng mã hóa.

Nói cách khác, robot có thể thay thế cơ bắp trong những công việc đơn giản truyền thống, song lại không để khả năng để thực hiện những công việc đòi hỏi kỹ năng, hay cảm xúc, thậm chí là những công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo.

Ở một khía cạnh khác, công nghệ càng phát triển lại tạo ra những cơ hội việc làm mới chất lượng cao, ví dụ như bảo hành, bảo dưỡng robot.

Thực tế này cho thấy con người và robot hoàn toàn có thể "đồng hành", bổ trợ cho nhau trong nhiều công việc.

Dù kịch bản của tương lai là thế nào, một thực tế không thể tranh cãi là làn sóng robot hóa và tự động hóa nói riêng cũng như cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục tiến đến như một xu thế không thể đảo ngược của thời đại.

Báo cáo Đổi mới toàn cầu 2018 của General Electric, một trong những công ty công nghệ sáng tạo nhất thế giới, thu thập ý kiến của hơn 4.000 nhà lãnh đạo và những người quan tâm ở 23 quốc gia cho thấy có 70% số người kỳ vọng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 85% tin rằng những đổi mới sẽ mang lại nhiều lợi ích, 64% sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện đổi mới và chỉ 17% lo ngại về tác động tiêu cực đối với người lao động.

Trong bối cảnh đó, hướng tới xây dựng một kỷ nguyên mới của cởi mở và lợi ích sẻ chia trên nền tảng của công nghệ hiện đại không ngừng phát triển, theo như tinh thần của Hội nghị Robot thế giới 2018, là một mục tiêu đúng hướng, thiết thực và cần sự quan tâm cùng đầu tư đúng mức./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tao-da-tri-tue-cho-mot-ky-nguyen-moi-cua-coi-mo-va-loi-ich-se-chia/93594.html