Tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển bền vững

Xác định việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, những năm qua, huyện Đakrông gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực. Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành sản xuất kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH ở miền núi.

Chuối lùn bản địa Tà Rụt được huyện Đakrông chọn xây dựng sản phẩm chủ lực - Ảnh: N.T

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 “Về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT trong giai đoạn mới” của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Huyện ủy Đakrông đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để nghiên cứu, học tập và quán triệt nội dung nghị quyết; đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành kế hoạch, chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị liên quan tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết.

Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền tính ưu việt của KTTT và các chính sách khuyến khích phát triển KTTT, vận động Nhân dân tham gia các tổ chức KTTT; tuyên truyền xây dựng các HTX, THT luôn song hành với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, gắn liền với việc thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Xây dựng và ban hành các kế hoạch phát triển KTTT, thống nhất tập trung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT và điều kiện phát triển KT-XH của địa phương.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh, HTX, UBND huyện triển khai đăng ký qua mạng điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang web motcua.quangtri.gov.vn.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh, thành lập HTX qua mạng điện tử với nhiều hình thức, giúp tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ mà không cần trực tiếp đến bộ phận một cửa cấp huyện, giảm thời gian và chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu về KTTT được bồi dưỡng có chuyên môn, nghiệp vụ về KTTT; có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, kế hoạch để KTTT phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Công tác đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực, hỗ trợ HTX, THT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thông tin quảng bá doanh nghiệp, các mặt bằng sản xuất kinh doanh được huyện quan tâm, góp phần hỗ trợ phát triển KTTT tại các địa phương.

Trong năm 2023, UBND huyện tiến hành làm việc với UBND xã Ba Nang chỉ đạo xây dựng lại sản phẩm rượu men lá Ba Nang; phối hợp với đoàn tư vấn UBND tỉnh khảo sát, tư vấn hoàn thiện các sản phẩm như: chuối lùn khu vực Tà Rụt, dệt thổ cẩm A Bung, dưa hấu Mò Ó.

Phối hợp với Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận TQC CGLOBAL tiến hành cấp chứng nhận VietGAP cho 2 sản phẩm dưa hấu Mò Ó và chuối lùn xã Tà Rụt; phối hợp với Tổ chức DAI, Văn phòng Ban quản lý dự án VFBC tư vấn hoàn thiện trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện.

Ban hành kế hoạch xúc tiến thương mại; hỗ trợ sản phẩm OCOP, đặc trưng, đặc sản kết nối, mở rộng các kênh phân phối năm 2023 để hỗ trợ phát triển sản phẩm của các HTX, THT.

Hiện nay, toàn huyện có 10 HTX với 81 thành viên, trong đó có 5 HTX mới thành lập và hoạt động dưới 1 năm chưa đánh giá được hiệu quả; 5 HTX hoạt động trên 1 năm; 12 THT với 136 thành viên, trong đó có 1 THT mới thành lập là THT nuôi ong ruồi nội địa Trà Phan ở xã Mò Ó với 7 thành viên. Có 5 sản phẩm của các HTX được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao.

Doanh thu bình quân năm 2023 ước đạt 550 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân năm 2023 ước đạt 160 triệu đồng/HTX. Nhìn chung, các HTX đã phát huy được vai trò trong việc cung ứng các sản phẩm cho thị trường góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của THT đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho tổ viên, tạo điều kiện để các tổ viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KTTT ở huyện Đakrông còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Để khắc phục cũng như tạo điều kiện KTTT trên địa bàn phát triển bền vững, các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực KTTT, đội ngũ quản lý của các THT, HTX trên địa bàn.

Tạo điều kiện cho các HTX tham gia xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu ra thị trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.

Hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, khoa học công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và các nội dung liên quan đến nâng cao năng lực cho cán bộ HTX nông nghiệp; tạo điều kiện cho các HTX ở vùng khó khăn tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tao-dieu-kien-de-kinh-te-tap-the-phat-trien-ben-vung/180989.htm