Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp

Ngày 28.8, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2018-2021) khai mạc tại Hà Nội. Với chủ đề 'Tiên phong đổi mới kiến tạo giá trị', các doanh nhân trẻ quan tâm và kỳ vọng nhiều vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như: Vốn, cơ chế chính sách, mặt bằng, chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ (ngoài cùng bên trái) trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018. Ảnh: ĐẶNG TIẾN

Hỗ trợ tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo Giám đốc Cty CP dịch vụ và du lịch thể thao dưới nước (Quảng Ninh) - Nguyễn Đức Hải, khó khăn nhất là vấn đề tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và nhân sự chất lượng cao, sự hỗ trợ của chính quyền về các chính sách quảng bá hình ảnh của DN. Ông Hải cho rằng, là DN trẻ khởi nghiệp nên phải dành toàn bộ tài sản để kinh doanh, nếu nói có tài sản cố định để thế chấp thì rất là khó, vì DN trẻ thường chưa có tích lũy trong khi đó, tất cả các khoản vay đều phải có thế chấp. Cùng đó, xác định rõ là không thể dựa vào “bầu sữa” của chính phủ, nên rất mong chính phủ có những chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho các DN trẻ khởi nghiệp tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm, để họ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn, cũng như các cơ quan chức năng đồng hành cũng DN xúc tiến, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, hình ảnh với các đối tác.

Theo ông Ngô Quang Thái - Cty 568 (Hòa Bình) - hiện đã có nhiều cởi mở về chính sách, nguồn vốn tín dụng đối với các DN. Nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn đối với các DN khởi nghiệp, những rào cản này sẽ hạn chế sự phát triển của DN, nên cần phải có sự vào cuộc hơn nữa để hỗ trợ tốt nhất các DN. Ông Thái mong rằng, thông qua đại hội này sẽ tiếp tục khơi gợi làn sóng khởi nghiệp phát triển và tính kết nối giữa các DN sẽ chặt chẽ, bền vững hơn để tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh.

Nhiều DN cũng cho rằng, chính phủ cần có nhiều quan tâm hỗ trợ hơn nữa đến các DN khởi nghiệp, nhất là các DN thuộc các lĩnh vực như môi trường, nông - lâm - ngư nghiệp vì ngoài việc tận dụng và phát huy những thế mạnh sẵn có như đất đai, lao động, họ còn tạo ra những sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Dù hiện nay có nhiều chính sách, rào cản đã được dỡ bỏ, nhưng thực tế, một số địa phương vẫn chưa tích cực thực hiện, các thủ tục hành chính vẫn đang là thói tật cố hữu của một bộ phận công chức. Thay vì hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm các thủ tục pháp lý thì làm việc qua loa, gây khó dễ. “Hiện nay, rất nhiều văn bản, chính sách vẫn còn chồng chéo, cụ thể tại DN chúng tôi, có những thiết bị nhỏ dưới nước có gắn động cơ cho người chơi cá nhân. Theo quy định là phải đăng kiểm, kiểm tra trước khi đưa vào vận hành, nhưng cơ quan đăng kiểm không làm với lý do không thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến việc không đơn vị nào đứng ra giải quyết, gây khó khăn cho DN” - ông Hải cho biết.

Đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tế

Chủ tịch HĐQT tập đoàn CHC (Hà Nam) - Đỗ Thị Hoài cho rằng, hiện môi trường kinh doanh của VN đang có nhiều thuận lợi, đặc biệt là cho các bạn trẻ ham mê học hỏi. Hiện chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của các DN trẻ với các hành động cụ thể như tạo điều kiện cho các quỹ tín dụng mạo hiểm đầu tư vào VN, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, mời gọi các nhà khoa học VN đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài hướng về quê hương. Cụ thể, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt niền tin vào thế hệ trẻ và mong muốn mỗi người là 1 chiến binh khởi nghiệp sẵn sàng cống hiến, học tập lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Điều này đã thôi thúc các DN trẻ cống hiến để tạo ra những giá trị mới, góp phần vào sự phát triển KTXH của đất nước.

Tuy nhiên, để phát triển cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ thủ tục hành chính, mặt bằng, vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Đức Hải, hiện chúng ta đang đẩy mạnh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng lại đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề, vấn đề chất lượng lao động không chỉ đơn thuần là được đào tạo mà còn phải tôi luyện qua môi trường làm việc thực tế. Tại các nước trong khu vực, họ đang thực hiện rất tốt mô hình giáo dục dạy nghề gắn với đào tạo thực tế. Do đó, các trường nghề trong nước cần có sự giao lưu, kết hợp đào tạo với các trường trong khu vực để học viên tiếp cận được với công nghệ và các kỹ năng làm việc ở môi trường hiện đại.

Đặng Tiến

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tao-dieu-kien-tot-nhat-de-doanh-nghiep-tre-khoi-nghiep-627960.ldo