Tạo động lực xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhờ đó đã tiếp nhận, chuyển giao thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho giá trị gia tăng cao, góp phần tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Với lợi thế trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, Hà Nội có nhiều thuận lợi khi tiếp nhận, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua, thành phố Hà Nội không chỉ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau, hoa, cây ăn quả mà còn cho phép tiếp nhận, chuyển giao các giống vật nuôi để nâng cao giá trị như nhập khẩu giống lợn nái ngoại Landrace, Yorshire của Thái Lan, Canada và bò BBB của Bỉ, gà D300 của Cộng hòa Séc … để lai tạo với giống bản địa, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc lai tạo các giống vật nuôi giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. (Ảnh Đ.L)

Việc lai tạo các giống vật nuôi giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. (Ảnh Đ.L)

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã sản xuất thành công các loại giống cây trồng chất lượng cao như: Hoa lan, hoa hồng giống Pháp, chuối nuôi cấy mô... Tại huyện Phúc Thọ, nhờ thâm canh tốt, nhiều hộ gia đình trồng cây chuối nuôi cấy mô cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha/năm; tại huyện Gia Lâm cũng đã có 200ha trồng giống chuối nuôi cấy mô trên đất bãi cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha/năm…

Việc tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cây trồng, vật nuôi đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập cho nông dân ngoại thành, giúp nhiều địa phương hoàn thành các nhóm tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới như: Tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo. Tính đến nay, Hà Nội đã có 4 huyện, 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ứng dụng vẫn còn một số khó khăn do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, dẫn tới tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong trồng trọt, vẫn thấp. Ví như, đối với cây chè, mới có 306,5ha, chiếm 10,2% diện tích trồng ứng dụng công nghệ cao và 186ha sử dụng giống mới; đối với cây ăn quả, mới có 924,5ha được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố... Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Nông dân thiếu vốn đầu tư, tích tụ ruộng đất gặp khó khăn, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân chưa chặt chẽ…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở đã tham mưu thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Tiếp cận đất đai, điện năng, thị trường, khoa học công nghệ...

Bên cạnh sự hỗ trợ từ thành phố, nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Hỗ trợ mua máy làm đất, mạ khay, máy cấy... Với những bước đi bài bản, căn cơ, Hà Nội phấn đấu năm 2019, nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố, tạo động lực để các địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

M.Q

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tao-dong-luc-xay-dung-nong-thon-moi-89349.html